Báo chí Lào cho biết, ngày 20/11 vừa qua công ty Hangzhou Safe Found Technology Company Limited và công ty TNHH tư vấn tài chính và kiểm toán LaoPPA đã hợp tác ký với Chính phủ Lào biên bản ghi nhớ khảo sát dự án sản xuất điện mặt trời trên mặt hồ Nặm Ngừm. Theo đó, dự án sẽ nằm tại bản Phôn Sạ Vath, huyện Long Xan, tỉnh Xay Sổm Bun. Dự án chủ yếu sẽ lắp đặt các tấm pin mặt trời trên diện tích mặt hồ Nặm Ngừm, dự án kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng sản xuất điện lên đến 10%, bên cạnh đó còn giảm hiện tượng bốc hơi cũng như sự sinh trưởng của thủy sinh vật, việc sử dụng và bảo trì không phức tạp, ngoài ra còn mang tính thẩm mỹ tạo điều kiện phát triển du lịch.
Do nằm gần đường xích đạo, quanh năm nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, nên tiềm năng sản xuất điện tái tạo từ ánh sáng mặt trời của Lào được đánh giá rất lớn. Lào đưa ra mục tiêu đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia. Với mục tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt sau sự cố thủy điện Sepieng Senamnoi tỉnh Attapeu, chính phủ Lào chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm, ưu đãi cho đầu tư sản xuất điện tái sinh năng lượng mặt trời, gió, khí sinh học và nhiên liệu sinh học (dự báo tổng tiềm năng lên đến 30.000 MW, trong khi phát triển tối đa 200 nhà máy thủy điện cũng chỉ sản xuất 26.000 MW), trong đó đặc biệt ưu tiên cho điện mặt trời.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quan tâm đến lĩnh vực nhiệt điện của Lào, tiêu biểu như việc công ty Convalt Enegy của Mỹ sẽ đầu tư dự án điện mặt trời 300 MW, trị giá 400 triệu USD tại tỉnh Borrikhamxay và Attapeu, bắt đầu xây dựng năm 2019. Doanh nghiệp, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những bước đi cụ thể để khai thác lĩnh vực này. Chúng ta cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sớm quan tâm, đầu tư sản xuất điện mặt trời tại Lào trước khi lĩnh vực này bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh, chi phối.