Việc Trung Quốc tăng viện trợ cho Lào diễn ra trong bối cảnh trên thế giới đang xuất hiện xu thế quay lưng, tẩy chay các khoản đầu tư của Trung Quốc kể cả từ các nước “nghèo” vốn luôn khát vốn cho phát triển
Ngày 15/2 vừa qua tại Bộ Ngoại giao Lào đã diễn ra lễ ký kết hiệp định hợp tác dự án quỹ đặc biệt Lan Thương – Mê Công năm 2018 giữa 2 Chính phủ Lào – Trung Quốc. Tham gia lễ ký đại diện phía Lào là Thứ trưởng Ngoại giao ông Thongphan Savanhphet, phía Trung Quốc là Đại sứ Trung Quốc tại Lào ông Khương Tái Đông.
Lễ ký kết hiệp định là một phần của việc tổ chức triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Lan Thương – Mê Công lần thứ 18 diễn ra tại Luông Pha Bang hồi tháng 12/2018 vừa qua. Hội nghị đã thông qua 138 dự án của quỹ dành cho 6 quốc gia thành viên. Trong đó, Lào có 21 dự án với tổng giá trị hơn 4,5 triệu USD liên quan đến 7 ban ngành gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Thể thao, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Công chính và Vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông Lâm.
Dự án Quỹ đặc biệt Lan Thương – Mê Công thuộc khuôn khổ sáng kiến chương trình hợp tác Lan Thương – Mê Công được thành lập nhân dịp Hội nghị nguyên thủ Lan Thương – Mê Công lần đầu tiên được tổ chức năm 2016 tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Trong năm 2017, Lào được nhận tổng cộng 13 dự án có giá trị hơn 3 triệu USD, các dự án hiện vẫn đang trong quá trình triển khai, 21 dự án mới sẽ được Lào triển khai trong năm 2019 này.
Việc Trung Quốc tăng viện trợ cho Lào diễn ra trong bối cảnh trên thế giới đang xuất hiện xu thế quay lưng, tẩy chay các khoản đầu tư của Trung Quốc kể cả từ các nước “nghèo” vốn luôn khát vốn cho phát triển. Chẳng hạn như, Pakistan hồi tháng 12/2018 đã đề nghị Trung Quốc hoãn một dự án nhiệt điện trị giá 2 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 10/2018, Pakistan tuyên bố sẽ giảm số vốn vay từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD.Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, cũng đã quyết định hủy dự án xây dựng một sân bay trị giá 318 triệu USD với một công ty Trung Quốc hồi tháng 9/2018. Đầu năm 2018, Bangladesh hủy dự án mở rộng một con đường cao tốc mà dự kiến sẽ do China Harbour Engineering Company đảm nhận, sau khi công ty Trung Quốc này bị nghi đưa hối lộ một quan chức Chính phủ Bangladesh. Trong khi đó, Tanzania tiến hành đàm phán lại với Bắc Kinh về một dự án cảng biển 11 tỷ USD.Trong khu vực Đông Nam Á, Myanmar cũng giảm chi phí cho một dự án cảng nước sâu do Trung Quốc cấp vốn ở bang Rakhine từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD; còn Malaysia thì đã dừng một loạt dự án do Trung Quốc cấp vốn, với tổng trị giá 22 tỷ USD. Dư luận thế giới ngày càng xuất hiện nhiều bài viết thể hiện xu thế nhận thức chung cho rằng “Vành đai – Con đường” là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc. Và khi các nền kinh tế nhỏ hơn không thể trả nổi nợ, Trung Quốc đã chớp ngay lấy cơ hội để ép chính phủ những nước này nhượng bộ. Có vẻ như Trung Quốc đang gặp trục trặc với “anh em xa” nên giờ chỉ còn cách miệt mài ve vãn “người láng giếng gần”.