Sau khi giải phóng Bản Son, Bản Viêng (Bắc Xiêng Khoảng, giáp Sầm Nưa, nay là Hủa Phăn), Đại đội 1 của Tiểu đoàn 7 được điều về hướng Phu Cút – Mường Sủi. Đại đội 2 của chúng tôi chốt lại, ngăn chặn không cho địch từ Keo Lao, Hội Xuồng, Pa Kha mò ra phục kích, gài mìn trên tuyến quốc lộ 6.
Khu vực Bản Viêng có điểm cao 1875m (Phu Sa Bốt) quanh năm mây phủ, đi lên đỉnh mất gần 1 ngày. Tiểu đội 3 chốt trên đó rất gian khổ.
Tiểu đội 2 của tôi chốt Phu Hin. Thời gian đó, đại đội tôi được tăng cường một trung đội bộ đội địa phương tỉnh Xiêng Khoảng, gọi là trung đội nhưng quân số chỉ có 11 người. Tiểu đội được bổ sung 3 người, cả 3 đồng chí đều rất trẻ, chỉ 17, 18 tuổi. Anh em khỏe, nhanh nhẹn, dễ gần nhưng chưa được huấn luyện bài bản, mới trên dưới 1 tuổi quân. Phu Hin có 3 mỏm, mỏm 3 gần địch nhất, chỉ cách tầm bắn DKZ57 khoảng gần 3 km. Chốt mỏm 3 có tôi cùng 3 đồng chí bộ đội Việt Nam và 1 đồng chí bộ đội Lào tên là Bun Thoong. Hỏa lực có 1 khẩu DKZ57 (loại súng thu được của địch), 1 khẩu RPD (trung liên), 1 B40, 3 AK. Tất cả chúng tôi đều sử dụng thành thạo các loại súng này. Mỏm 2 ở giữa, cách mỏm 3 khoảng 250m do 5 đồng chí của ta đảm nhiệm. Mỏm 1 ở trong cùng, cách mỏm 2 khoảng 300m, chúng tôi gọi là “hậu phương” vì chốt này gần rừng dễ kiếm củi và bẫy thú rừng, xuống suối lấy nước cũng gần, đỡ dốc hơn 2 chốt kia. Tôi bố trí 3 đồng chí ta và 2 đồng chí Lào. Vì là đồi cỏ tranh nên chúng tôi quan sát nhau rất dễ, tuần tra đi lại giữa các chốt thường xuyên, có món gì cải thiện đều mang cho nhau.
Hằng ngày, mỗi chốt cử 1 người thành tổ 3 người đi lùng sục tiền duyên, phát hiện dấu vết địch để có phương án tác chiến, còn lại thay nhau canh gác, xuống suối lấy nước, tắm giặt, mò cua, bắt cá cải thiện bữa ăn,…
Một ngày trên chốt dài lắm. Những lúc bình yên chúng tôi thường tâm sự, chuyện trò đủ thứ trên đời. Đồi tranh trơ trọi, chúng tôi làm nhà hầm để ở. Tôi và Bun ngủ chung 1 hầm, chúng tôi ghép cây sặt sát nhau, đan cỏ tranh thành 2 tấm đặt lên, trải bạt nằm êm ru. Tệ nhất là lũ chuột, đêm đêm chúng lùng sục khắp hầm kiếm ăn, thậm chí có anh bị chúng cắn xơ gót chân tóe máu. Nhưng thịt chuột rừng rất ngon và lành, chúng là thực phẩm quan trọng của cánh lính chúng tôi. Các đồng chí dân tộc Thái, Mèo và Lào rất tài đánh bẫy các loại thú rừng. Nhưng phải thừa nhận Bun là người đạt kỷ lục về thành tích bẫy chim, sóc, chuột… Tôi coi Bun như em út. Sống với nhau vài tháng, chúng tôi học tiếng của nhau. Lúc đầu Lò Văn Lai (người Thái Nghĩa Lộ) làm phiên dịch nhờ Bun dạy tiếng Lào cho chúng tôi, rồi dạy tiếng Việt cho Bun. Dần dần chúng tôi nói chuyện được với nhau, hiểu nhau hơn. Bun nói tiếng Việt giọng vẫn ngọng ngọng, lơ lớ nghe dễ mến:
“Quê em ở Bản Thà, cách Bản Ban 1 giờ đi bộ. Cha em bị bom Mỹ giết chết năm 1965, còn mẹ và 2 em gái cùng với bà con trong bản sơ tán ra hang Na Long. Bản Thà đã bị bom Mỹ phá tan hết rồi. Trâu, bò, lợn phần bị chết, phần chạy vào rừng”. Bun đang học lớp 4, thì phải bỏ học vì chiến tranh, em theo người chú vào bộ đội giải phóng Lào, huyện Mường Khăm được hơn 1 năm. Tuy chỉ cách nhà 1 ngày đường nhưng em chưa được về thăm mẹ và 2 em lần nào. Tôi hiểu em đang nhớ mẹ, nhớ các em nhiều lắm. Bun còn nói sau này hòa bình em sẽ xin sang Việt Nam học làm thầy giáo về dạy cho các em. Tôi đùa Bun có muốn làm em rể tôi không? Bun cười hiền hiền là…!
Tháng 8/1967 mưa tầm tã, mưa đổ cả những cây thông cổ thụ, suối chảy thành thác cuồn cuộn, đục ngầu. Hôm nào trời hửng nắng thì máy bay gầm rú, oanh tạc các chốt của đại đội tôi. Nhìn lên Phu Sa Bố ttiếng bom rung chuyển, khói bốc cao, chúng tôi lo cho anh em Tiểu đội 3 trên đó. Chắc hướng Cánh Đồng Chum, Phu Cút ta tiến công mạnh nên chúng muốn kéo lực lượng ta lên hướng đường 6 để đỡ đòn. Hằng ngày pháo địch từ Keo Lao bắn sang chốt Keo Bịn, từ Hội Xuồng bắn sang chốt chúng tôi. Khi nào im tiếng pháo là bọn biệt kích mò vào mật phục, gài mìn. Vì đỉnh chốt nhọn, hẹp cho nên bom, pháo rất khó trúng. Hơn nữa hầm chúng tôi rất chắc, loại pháo 105 ly, cối 106,7 ly không đáng ngại. Chúng tôi tập trung đối phó với giặc mặt đất. Hằng ngày tổ xuất kích ra trước tiền duyên. Đi phục sớm hơn, về muộn hơn. Hôm ấy tổ do tôi chỉ huy gồm tôi, Ma Quáng Lìn và Bun Thoong. Chúng tôi phục tại 1 yên ngựa cách chốt khoảng 40 phút luồn rừng. Đến tầm 4 giờ chiều, 3 anh em đều đã thấm mệt. Trời vẫn mưa rả rích, tôi ra lệnh rút. Lẽ ra thì hôm ấy Bun không phải đi, nhưng vì mỏm 1 có đồng chí Kiền bị sốt rét, nên Bun xin đi thay. Đội hình đi về: Lìn, Bun, tôi. Mỗi người cách nhau 4, 5m, trong im lặng, cảnh giác. Đi được chừng hơn 10 phút bỗng tiếng súng AK của Lìn vang lên từng loạt, Lìn lăn sang 1 bên đồng thời hô to “địch – địch bên phải”. Tôi và Bun nhanh như chớp lăn sang bên trái, hướng súng về phía địch nã đạn. Nghe tiếng súng, tôi đoán địch không đông lắm. Tôi hô ném lựu đạn. Tôi ném liền 3 quả, Bun ném 2 quả. Địch cũng ném lựu đạn về phía chúng tôi nhưng chúng tôi lợi thế địa hình cao hơn. Nghe có tiếng địch kêu la, chắc chắn có thằng bị thương, tôi trườn lên rẹt liên tiếp về phía đó máy loạt AK. Không gian bỗng im phắc, tôi bò đến chỗ Bun. Trời! Em bị thương. Tôi vỗ nhẹ vào lưng Bun: chịu khó nằm im. Tôi bò tiếp lên phía trước, địch đã rút chạy bỏ lại 2 xác chết cùng 2 súng cạc-bin. Đề phòng chúng quay lại lấy xác, tôi cõng Bun lùi lại phía sau, bắn 3 phát súng báo hiệu cho ở chốt biết; băng bó cho Bun rồi lom khom tìm Lìn. Lìn nằm im, máu chảy ướt ngực, ướt vai. Lìn bị thương nặng lắm, vài phút sau Lìn tắt thở, tay vẫn nắm chặt tay tôi. Tim tôi nghẹn lại! Tôi chạy sang Bun, em đòi “Kin nặm”(1), tôi cho em uống từng giọt, từng giọt. Đùi em bị gãy, tôi phải lấy cây nẹp chặt. Lúc sau 4 anh em trong tiểu đội đến. Trời đã tối, anh em cáng Lìn và Bun về chốt, thu 2 súng cạc-bin. Trung đội tăng cường lực lượng đưa Lìn và Bun về đại đội. Đường đi xuống khe, lên dốc dựng đứng, trơn trượt. Trời vẫn mưa, tối như bưng. Có 1 chiếc đèn pin thì phải che gần hết chỉ để 1 lỗ bằng đầu đũa. Đến sáng chúng tôi về đến đại đội. Các thủ trưởng động viên khen ngợi chúng tôi đã chủ động đánh địch. Ma Quáng Lìn nằm lại Bản Viêng, nơi đã có những đồng đội đang yên nghỉ. Bun được xử lý vết thương, uống được sữa, đã tỉnh táo hơn, em được chuyến ngay về Bệnh viện 217 ở hang Na Long, nơi mẹ và 2 em đang ở đó. Chia tay Bun, mắt tôi nhòa đi nắm chặt tay em, tôi thì thầm: Bun ơi! ra bệnh viện em sẽ được gặp mẹ và 2 em, mong em mau khỏi, sau này sang Việt Nam học về làm thầy giáo, làm em rể anh nhé! Bun cười yếu ớt, nước mắt tràn mi: “Ải ơi! Ải ơi” (1) .
Nửa thế kỷ đã trôi qua! Ma Quáng Lìn đã được đồng đội đón về Nghĩa trang Quốc tế Anh Sơn, Nghệ An. Người thân của Lìn có biết Lìn ở đó để vào thăm và đón Lìn về đất mẹ Mèo Vạc, Hà Giang chưa? Lìn ơi!
Bun ơi! Em ở đâu? Nay em cũng đến 70 tuổi rồi, là ông Bun Thoong rồi, cái chân bị gãy bây giờ ra sao? Gia đình, vợ con thế nào, em rể hụt của anh? Nếu em đọc được trận “tao ngộ” của chúng ta ngày xưa này, em báo tin cho anh ngay nhé. Anh “Hạng râu” đây mà, Bun ơi!
Hoàng Đạo