Bước phát triển nghệ thuật quân sự trong Chiến thắng Thượng Lào

Đầu năm 1953, sau Chiến thắng Tây Bắc của Việt Nam, Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp với Việt Nam mở chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Xamneua (Chiến dịch Thượng Lào) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai, mở rộng khu căn cứ, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân Lào lên một bước mới.

Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân địa phương trên địa bàn chiến dịch, sau hơn một tháng tiến công và truy kích địch, Chiến dịch Thượng Lào đã kết thúc thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.800 tên địch (diệt khoảng 500 tên), làm tan rã 3 tiểu đoàn và 1 đại đội; diệt 5 vị trí, bức rút 25 vị trí; thu nhiều vũ khí đạn dược, giải phóng vùng đất đai rộng lớn hơn 4.000km2, gồm toàn bộ Xamneua, một phần tỉnh Xiangkhouang và Phongsaly với hơn 300.000 dân. Chiến dịch đánh dấu bước phát triển quan trọng về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của quân dân Việt-Lào, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên có sự kết hợp của quân dân hai nước diễn ra trên đất Lào.

Từ năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược, bộ đội Việt Nam đã phối hợp cùng quân dân Lào chiến đấu trên khắp chiến trường Lào, song quy mô tác chiến chỉ hạn hẹp trong phạm vi các đợt hoạt động, trận chiến đấu riêng lẻ quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn. Đến chiến dịch này, mặc dù điều kiện tiếp tế khó khăn nhưng Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam quyết tâm huy động một lực lượng lớn với 10 trung đoàn chủ lực và các đoàn quân tình nguyện đang hoạt động ở Thượng Lào cùng LLVT Lào tham gia chiến dịch.

Bộ đội chuẩn bị bộc phá cho trận đánh trong Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. 
Bộ đội chuẩn bị bộc phá cho trận đánh trong Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953.

Trực tiếp tham gia chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch có các đồng chí chỉ huy QĐND Việt Nam và lãnh đạo Chính phủ Kháng chiến Lào như: Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Nguyễn Chí Thanh; Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Hoàng Văn Thái; Hoàng thân Souphanouvong, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Kaysone Phomvihane…

Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chuẩn bị chu đáo, tạo yếu tố cơ bản để giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Đầu tháng 3-1953, bộ đội Lào cùng Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào đã nghiên cứu kỹ tình hình địch và địa hình khu vực Xamneua, Xiangkhouang. Hơn 60 cán bộ Việt-Lào đã phối hợp với quân báo chiến dịch thâm nhập sâu vào thị xã Xamneua, điều tra nghiên cứu từng cứ điểm của địch, làm cơ sở để Bộ chỉ huy chiến dịch xây dựng phương án tác chiến.

Trong xây dựng kế hoạch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã dự kiến nhiều tình huống như: Đánh địch trong tập đoàn cứ điểm khi chúng tăng cường lực lượng lên đến 6 tiểu đoàn; đánh địch khi chúng chủ động rút khỏi Xamneua… Bộ chỉ huy còn tổ chức các lực lượng dự bị, đánh nghi binh trên chiến trường Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các địa phương Thượng Lào đẩy mạnh công tác vận động xây dựng cơ sở, củng cố và phát triển LLVT, đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm phát huy cao nhất khả năng của địa phương phục vụ chiến dịch; chỉ đạo bộ đội Lào cùng Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào đẩy mạnh hoạt động tác chiến nhằm phân tán sự chú ý của địch.

Về hậu cần, Bộ chỉ huy chiến dịch có kế hoạch chu đáo, phân công cụ thể: Trên hướng chính Xamneua do Tổng cục Cung cấp Việt Nam đảm nhận; trên hướng đánh vào Xiangkhouang do Liên khu 4 Việt Nam đảm nhiệm; hướng đánh vào khu vực sông Nam Ou do nhân dân Thượng Lào đảm nhiệm. Phía Việt Nam đã huy động hơn 80 ô tô, 880 thuyền, hơn 2.200 xe đạp và 180 con ngựa để vận chuyển vật chất phục vụ chiến dịch. Khi thực hành truy kích địch, Chính phủ Kháng chiến Lào đã cử đồng chí Nouhak cùng đồng chí Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch xuống các địa phương tổ chức việc huy động ở Xamneua được 200 tấn gạo và 3.000 dân công.

Về chuẩn bị bộ đội, ngoài việc huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch luôn quan tâm động viên, giáo dục bộ đội. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên bộ đội trước khi sang chiến đấu ở Thượng Lào: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình. Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới các chú cần phải: Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của QĐND Việt Nam…”(*).

Nhanh chóng chuyển từ quyết tâm đánh tập đoàn cứ điểm sang vận động đánh địch rút chạy; đẩy mạnh tiến công trên hướng phối hợp giải phóng địa bàn.

Khi chuẩn bị kế hoạch đánh tập đoàn cứ điểm Xamneua, Bộ chỉ huy chiến dịch dự kiến tình huống địch có thể rút chạy nên chủ động tổ chức lực lượng chuẩn bị đánh tại Huameuang, chặn địch trên chặng Huameuang-Mường Láp, đồng thời giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 304 tiêu diệt địch tại Bản Ban và chặn địch từ Xamneua xuống. Do có sự chuẩn bị trước nên khi địch rút chạy, Bộ chỉ huy đã nhanh chóng chuyển sang phương án truy kích địch.

Trên hướng phối hợp (khu vực sông Nam Ou), kế hoạch ban đầu ta chỉ sử dụng Trung đoàn 148 (Đại đoàn 316). Song khi chuyển sang phương án đánh địch rút chạy, phát huy thành quả của hướng chủ yếu, Bộ chỉ huy đã điều động Trung đoàn 148 nhanh chóng tiến xuống phía Nam, đồng thời lệnh cho Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) vừa hoàn thành nhiệm vụ trên hướng chủ yếu, tiến quân xuống Bắc Luang Prabang phối hợp với Trung đoàn 148 giải phóng địa bàn.

Thắng lợi của chiến dịch góp phần thắt chặt tình đoàn kết máu thịt giữa hai dân tộc, hai Quân đội Việt Nam-Lào; đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật chiến dịch trên địa bàn rừng núi của quân dân hai nước.

Đại tá PHẠM HỮU THẮNG, Nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, năm 1996, tr.64

Theo QĐND

Bài viết liên quan

Next Post