• Giới thiệu – liên hệ
  • Chính sách
  • Đăng ký
  • Đăng nhập
  • Quên mật khẩu
Tạp chí Lào - Việt
  • Trang chủ
  • Kinh tế
  • Tuần báo
  • Tham khảo
    • Video
  • Pháp luật
    • Thư viện pháp luật
    • Tư vấn pháp luật
  • Bản tin Đại sứ quán
No Result
View All Result
Tạp chí Lào - Việt
No Result
View All Result
Home Ký ức người lính Việt Lào

Đồi cháy

17/08/2021
in Ký ức người lính Việt Lào

Tháng 8, mùa Thu về…

Mùa thu 1945, một mùa thu lịch sử.

Tháng 8, mùa thu 1966 có một Trung đoàn Quân tình nguyện đã ra đời trên chiến trường Lào – Trung đoàn bộ binh 866.

Phần I: Đồi Cháy, những ngày còn im tiếng súng

Không biết cái tên Đồi Cháy có từ bao giờ, ai đặt, nhưng khi đơn vị quân tình nguyện chúng tôi đến trấn giữ nơi đây để bảo vệ vùng giải phóng, mọi người đã gọi là “Đồi Cháy” rồi. Lúc đầu nghe cái tên “Đồi Cháy” bọn tôi cảm thấy nóng trong người, nổi da gà! Nhưng sau vài ngày tiếp quản, đứng trên đỉnh cao này ngắm nhìn, chúng tôi thấy nơi đây phong cảnh thật hùng vĩ huyền ảo, gần gũi và hữu tình.

Trung tuần tháng 01 năm 1966, đại đội 2, tiểu đoàn 7 chúng tôi vừa vàotập kết tại khu vực Na Lưu – phía Đông Nam Phu Keng thì được lệnh quay trở ra làm nhiệm vụ mới. Chúng tôi đang say sưa với khung cảnh hữu tình của một vùng rộng bao la, đồi thông vi vu gió thổi, những bãi cỏ xanh mướt chạy dài tít tắp, những lùm cây nhấp nhô như những ốc đảo, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Mấy nóc nhà sàn nằm sâu trong thung lũng vắng, xa xa những ngọn núi mờ sương trùng điệp. Đây là một góc của Cao Nguyên Cánh Đồng Chum nổi tiếng mà chúng tôi đã từng nghe, nay mới được tận mắt ngắm nhìn.

Những đỉnh núi trên cao nguyên Xieng Khuang

Màn đêm buông xuống, trời rét ngăn ngắt. Những chiếc máy bay C47 vẫn rù rì lượn tít trên cao, thả những chùm pháo sáng vàng vọt, săm soi dọc tuyến đường QL7 hòng phát hiện xe ô tô của ta. Đại đội tôi vẫn hành quân trong im lặng. Từ ngã ba Nọong Pẹt ra Bản Ban bắt buộc phải đi qua đèo Phỉ. Khi hành quân vào, đại đội 1 đã bị bọn phỉ phục kích trên đèo này. Nay chúng tôi quay ra phải hết sức cảnh giác. Đến sáng, chúng tôi đã qua Ngã ba Bản Ban, rẽ phải, vượt suối Nậm Mật, qua doanh trại đơn vị công binh, chúng tôi dừng chân ven núi.

Sau 2 ngày vượt dãy Phu Tất Vinh cheo leo hiểm trở với những vách đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn, chúng tôi vào đến khu vực Phu Nọong – Dọc đường đã thấy những hố mìn, những chiếc giày vải nát bươm, những vết máu đã khô vương vãi trên cỏ bên đường mòn. Các trung đội được rải ở các chốt dọc đường vào, cuối cùng chỉ còn lại tiểu đội 2 chúng tôi đi tiếp. Leo lên 1 con dốc khủng khiếp nữa, chiều tà, chúng tôi lên đến đỉnh 1 quả đồi bằng phẳng, quang đãng, hầm hào kiên cố. Có mấy đồng chí đơn vị bạn chờ chúng tôi đến để bàn giao. Họ chỉ hướng địch: Cò Hai, khu vực bãi mìn, một số vấn đề cần lưu ý. Rất nhanh chóng họ rút quân. Từ lúc này tiểu đội 2 chúng tôi làm chủ quả đồi này: Đồi Cháy và Đồi Xanh phía Đông Bắc.

Ngày hôm sau, Đồi Cháy của chúng tôi được tăng cường: Đồng chí Trung đội Trưởng Nguyễn Đức Du, đồng chí chính trị viên trung đội Trần Văn Tịch, 2 đồng chí trực tiếp chỉ huy; khẩu đội ĐKZ 82, 3 đồng chí do Vũ Hà chỉ huy; khẩu đội thượng liên 03 đồng chí do Lương Tấn Linh chỉ hủy; khẩu đội Cối 60 mm 02 đồng chí do Vũ Văn Nhâm chỉ huy. Tiểu đội bộ binh chúng tôi có 07 đồng chí do Tiểu đội phó Nguyễn Văn Năm chỉ huy. (Tiểu đội trưởng Lê Thanh Giang cùng 4 đồng chí sang chốt Đồi Xanh. Vì Đồi Xanh nhỏ, hẹp nên không được tăng cường hỏa lực mạnh như Đồi Cháy); Y tá Đào Xuân Chính và chiến sỹ nuôi quân Nguyễn Thế Hãng. Tổng quân số trên chốt Đồi Cháy có 19 người. Hỏa lực bộ binh của Tiểu đội có 1 B40 do Bùi Văn Nắng xạ thủ, 3AK, 2CKC, Lò Văn Lai RPD. Y tá và nuôi quân CKC, 2 cán bộ trung đội K54 (Ngày ấy biên chế trung đội có chính trị viên).

Ráng chiều cao nguyên Cánh đồng Chum

Bản Phu Nọong thuộc huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng, là 1 vùng thung lũng khá rộng, giữa có sân bay dùng cho trực thăng và L19 cất hạ cánh, nằm ngay cạnh bản. Gọi là bản nhưng nhà cửa đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Đỉnh cao nhất khu vực này là Tầm Hốc 1854m, Tiền tiêu là 2 điểm cao do tiểu đội 2 chúng tôi chốt giữ: Đồi Cháy cao 1480m, Đồi xanh 1448m.

Phu Nọong có vị trí quan trọng ngăn chặn, án ngữ cụm cứ điểm Xen Chồ, Cò Hai, kiềm chế không cho địch mò ra phục kích, gài mìn, phá hoại Quốc lộ 7 đoạn từ Nậm Tiền Nậm Mật, Bản Ban, Phu Nốc Kốc đến Ngã ba Nọong Pết, bảo đảm an toàn cho tuyến giao thông huyết mạch vào Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Đặc biệt là khu vực “Đèo Phỉ”.

Nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là canh gác, sẵn sàng chiến đấu, lùng sục tiền duyên nhằm phát hiện dấu vết địch, xuống khe gùi nước, làm các loại bẫy thú rừng để cải thiện bữa ăn. Thời gian đầu tình hình địch tương đối ổn, chúng không có hoạt động gì đáng kể. Ngày trên chốt thật dài. Mùa đông rét căm căm, sương mù giăng đặc quánh, cách vài ba mét đã không nhìn rõ nhau. Đêm gác, chúng tôi lấy bao tải khoét một lỗ ở đáy bao, 2 lỗ ở 2 cạnh bao rồi chui đầu qua lỗ đó, luồn 2 tay qua trông như mặc áo giáp. Chỉ sau 1 ca gác là áo ướt sương nặng trĩu. Có mấy thùng phi đựng nước, sáng nào anh nuôi cũng phải dùng cuốc chim bổ vì nước đã đóng băng, cho vào xoong đun một lúc băng mới tan. Tôi bỗng nhớ lời một bài hát của một nhạc sỹ nổi tiếng “Từ biệt làng đi chiến đấu, đời bộ đội quen với gian lao”.

Tuy gian lao, vất vả nhưng bộ đội cũng là nơi tập trung rất nhiều “anh tài” về nhiều phương diện. Trên Đồi Cháy của chúng tôi là 1 tập thể như vậy. Ngoài nhiệm vụ vẻ vang như đã nói ở trên, chúng tôi còn làm rất nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Trong số những “cao thủ” đó, trước hết phải kể đến Vũ Hà – Trung Sỹ khẩu đội trưởng ĐKZ82. Anh quê ở xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 6/1963. Dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, nói năng nhỏ nhẹ tình cảm. Điểm yếu đặc biệt của Hà là sợ mắm tôm, mà ở chốt khi đó mắm tôm lại là chủ lực. Thứ gọi là mắm ấy có màu đen xám, sền sệt đóng bánh, mùi như mắm tôm thối, nhưng mặn hơn cả muối, con dòi cũng không thể sống được trong mắm đó. Người ta đóng vào cái bao cói nặng như đất sét. Canh mắm tôm, thịt sóc nướng chấm mắm tôm, nói chung cái gì cũng phải cho mắm tôm, vì muối là “hàng chiến lược”. Anh nuôi Nguyễn Thế Hãng bao giờ cũng làm thức ăn riêng cho Hà trước khi cho mắm tôm vào món ăn cho tập thể. Có lần Lương Tấn Linh thử Hà, trộn cho một đũa mắm tôm vào nồi canh, lúc ăn Hà phát hiện được, tức giận nói Hãng chơi đểu! Hãng cãi không cho mắm tôm vào canh. Linh nhận là mình cho vào, thế là Hà giận suốt hàng tháng không thèm nói chuyện với Linh, cho dù Linh đã xin lỗi.

Những giây phút bình yên của bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ

Vậy nhưng Hà là tay cừ khôi thật sự. Vào chốt được vài tuần Hà nghĩ ngay đến việc làm lò rèn để rèn dao găm. Hà trình bầy “Dự án, thiết kế công trình” với mọi người. Chúng tôi chả hiểu ra làm sao, nhưng cũng đồng ý cả. Hắn phân công 2 “tên” vào trong rừng cách chốt trăm mét đào hầm đốt than, cưa những cây gỗ chắc, có đường kính 15 – 20 cm, hoặc to hơn chút, chọn cây thẳng, cưa từng khúc 50 = 60 cm, bóc hết vỏ, bổ dọc làm nhiều mảnh, xếp đứng vào hầm lò. Củi khô làm mồi, khói cho bay theo một đường hào như làm bếp hoàng cầm. Khi gỗ đã cháy thì lấp một lớp đất tơi khô mỏng hãm không cho cháy rực, cứ để cháy âm ỉ, mấy ngày sau là có sản phẩm “than hoa” rất chất lượng.

Các tổ đi lùng sục hàng ngày qua các bản cũ tìm nhặt mọi thứ cần thiết như mảnh bom, đuya ra, ống B90 làm bễ… Hì hục, mày mò, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành “1 xưởng rèn” dã chiến. Từ đe, búa, đục, kìm, dũa, khuôn chuôi dao, v.v… đủ cả. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng chúng tôi đã sản xuất được những cây dao găm tuyệt đẹp, trang bị đủ cho cả chốt; biếu tặng cho các Thủ trưởng đại đội. Để bảo đảm cho toàn đại đội, chúng tôi chỉ sản xuất phần thô, còn về anh em tự gọt dũa, vì khâu gọt sũa rất mất thời gian. Hà còn làm hộp thuốc lá, phin cà phê, lập lắc đeo cổ tay, lược… Những chiếc lược bằng xác máy bay Mỹ, trạm khắc hình máy bay phản lực, hình con bướm rất đẹp. Ngày ấy, anh nào về phép mà tặng bạn gái chiếc lược đuya ra sáng bóng có khắc những chữ kỷ niệm, hay tấm vải dù hoa thì cứ nói là các em mê tít!.

Kỳ tài hơn là Hà đẽo gọt làm được cả đàn măng đô lin, đàn vi ô lông, đàn bầu. Củ nâu rừng không thiếu, anh nhuộm màu i xì như đàn xịn. Lông đuôi ngựa làm vĩ, có cả nhựa thông, thỉnh thoảng những lúc thanh bình, chúng tôi tấu lên những bản nhạc hỗn hợp vừa ngộ nghĩnh vừa xúc động, hào hùng!. Trong giàn nhạc có một không hai ấy, ngoài Hà ra, có một vài anh chơi tàm tạm, còn phần nhiều là ” cưa kéo tùm lum”; ấy vậy mà vẫn thấy xao xuyến trong lòng. Trong không gian yên bình, chúng tôi đóng các cọc treo những chùm lan rừng nhiều màu sắc. Rừng Lào rất nhiều lan. Các chùm lan bám trên các thân cây vô cùng phong phú, chúng tôi không biết tên chúng là gì, nhưng ngắm lan thì thật mê hồn. Đi lùng sục tiền duyên, lựa chọn những bông hoa lan thật đẹp mang về trang trí ngay trên vách hầm ngủ. Phu Nọong còn được cánh lính ta đặt cho cái tên “Xứ sở của đào, mận, mắc cọoc, sâm…” Nói đến những đặc sản này chắc ít nơi hơn Phu Nọong.

Vào chốt được khoảng 1 tháng thì đến tết Bính Ngọ (1966) Tiểu đội được cử 3 đồng chí cùng với các tiểu đội khác ra Nậm Tiền Nậm Mật lấy gạo nếp và nhu yếu phẩm về ăn tết, anh em bàn nhau trích 3 kg muối đổi cho dân lấy 3 con gà thau tháu, 2 con mái, 1 con trống. Từ ngày có mấy con gà, chốt vui hẳn lên. Vài tháng sau con trống vỗ cánh gáy te te, 2 con mái đẻ trứng rồi ấp nở ra một đàn con lũn cũn đáng yêu vô cùng. Công việc quan trọng là bảo về đàn gà chống bọn cú mèo, diều hâu, chuột, cáo,… chỗ nào có ụ mối là chúng tôi cuốc tung lên, con mối rào rào bò ra, các chú gà thi nhau ăn, no căng diều. Gà ăn con mối cực kỳ béo và chóng lớn. Chúng tôi dự tính đến 2/9 sẽ có thịt gà ăn mừng ngày Quốc Khánh.

Nhưng những ngày bình yên như thế không kéo dài được bao lâu. “Đồi Cháy” đã rực lửa. Những trận chiến ác liệt đã diễn ra. Nhiều đồng chí của chúng tôi đã ngã xuống, máu đã thấm đỏ đỉnh cao này!…

(Còn nữa)

Đào Hạng – Cựu chiến binh d7 – Bài viết về những hoạt động của tiểu đoàn 7 đơn vị tiền thân của Trung đoàn 866 

Tags: ký ức người lính việt lào

Bài viết liên quan

Phu Cút – “Núi thép, núi kim cương”

28/10/2021

Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn

15/09/2021

Đồi cháy (phần II): Những ngày khói lửa

29/08/2021

Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn

20/07/2021

Vài kỷ niệm về mấy trận chiến đầu tiên trong đời trên chiến trường Lào (Phần 1)

26/06/2021

Sư đoàn 324 – Những ngày đầu đánh phỉ giúp bạn Lào

14/06/2021
Next Post

Ngân hàng TƯ Lào cảnh báo về tiền điện tử

Bài cùng chuyên mục

  • Thiên hùng ca mang tên “Đường 9-Nam Lào”
  • Ký ức một tết sớm ở Lào
  • Anh lính tình nguyện và cô văn công Pa thét Lào xinh đẹp
  • Thung lũng Long Chẹng, có một người như thế…
  • Chuyện hi hữu ở Nọng Ping
  • Thư ngỏ gửi Đại uý Mùa A Ze
  • Trao tặng xe lăn cho thương, bệnh binh quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào
  • Bài thơ: Quan hệ Đặc biệt Việt Lào
  • Phu Cút – “Núi thép, núi kim cương”
  • Bài ca người anh hùng trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào

Bài viết liên quan

  • Phu Cút – “Núi thép, núi kim cương”
  • Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn
  • Đồi cháy (phần II): Những ngày khói lửa
  • Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn
  • Vài kỷ niệm về mấy trận chiến đầu tiên trong đời trên chiến trường Lào (Phần 1)

Lào tăng cường phòng chống sốt xuất huyết

24/03/2023

Việt Nam và Lào trao đổi chính sách quốc phòng

23/03/2023

Luang Prabang sẽ tổ chức Bun Pimay 2023 quy mô lớn

23/03/2023

Cập nhật giá xăng dầu tại Lào ngày 23/3/2023

23/03/2023

Nghỉ Tết năm mới Bun Pimay Lào kéo dài 5 ngày

23/03/2023

Tỷ lệ tử vong của phụ nữ Lào khi sinh con giảm 78,7% trong 20 năm qua

23/03/2023

Toàn bộ bản quyền thuộc về Tạp chí Lào Việt
Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn

LIÊN HỆ

Tạp chí Lào - Việt
Địa chỉ:  167 bản Anou, quận Chanthabouly, thủ đô Viêng Chăn
Điện thoại: +85620 99655568
Email: tapchilaoviet@gmail.com

KẾT NỐI

Toàn bộ bản quyền thuộc về
Tạp chí Lào Việt -
Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn

Tạp chí Lào - Việt
Địa chỉ: 167 bản Anou, quận Chanthabouly, thủ đô Viêng Chăn
Điện thoại: +85620 99655568
Email: tapchilaoviet@gmail.com

No Result
View All Result
  • Trang chủ
  • Kinh tế
  • Tuần báo
  • Tham khảo
  • Cộng đồng
  • Học tiếng Lào-Việt
  • Ký ức người lính Việt Lào
  • Pháp luật
  • Giới thiệu – liên hệ

© 2018 Tạp chí Lào Việt
Toàn bộ bản quyền thuộc về Tạp chí Lào Việt - Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn.