Hơn 20 ngày qua, Đồi Cháy đã chịu đựng biết bao nhiêu trận oanh tạc của máy bay địch, anh em căng thẳng, thấm mệt. Tôi nhớ dạo ấy đơn vị có phong trào học tập các chiến sĩ Phu Cút – Cánh cửa thép phía tây Cánh Đồng Chum. Bom đạn địch đánh phá làm bay mất cả chục mét đỉnh đồi, cái rễ cây cũng không còn, đến sắt thép cũng bị nung chảy, nhưng các chiến sĩ anh hùng của chúng ta vẫn trụ vững mấy tháng ròng. Vậy ác liệt ở Đồi Cháy chưa là gì. Chúng tôi siết chặt tay nhau quyết giữ bằng được chốt.
Ngày 29/8/1966, ông Tịch vốn người gầy yếu, nay càng hom hem, nhìn ông Tịch ai cũng thương, đại đội điều ông Nguyễn Văn Mậu, Trung đội phó lên thay cho ông Tịch về phía sau. Ông Du là Trung đội trưởng chỉ huy chốt.
Hai ngày qua tịnh không thấy thằng F nào gầm rú, chỉ có máy bay OV-10 vẫn như con diều hâu lơ lửng lưng trời, nghe tiếng vo vo của nó muốn phát điên. Chúng tôi gọi nó là con chim lợn, nó mà bổ nhào bắn pháo khói là chỉ một phút sau lũ phản lực lập tức bu đến đánh phá dữ dội. Nhưng lạ thay từ sáng đến chiều không có tên F hay cánh quạt nào lảng vảng.
Tầm 4 giờ chiều, tổ gác trên chốt phát hiện yên ngựa phía tiền duyên có bóng người đi lại thấp thoáng. Vì đồi cỏ gianh ngắn nên nhìn rất rõ, chỉ cách chốt chúng tôi chừng 800m. Ông Du gọi điện báo cáo đại đội. Cùng lúc đó L20 sà thấp thả hàng. Như vậy đã rõ, địch chuẩn bị tấn công Đồi Cháy. Bọn này thật ấu trĩ, tập kết ngay trước mặt đối phương, lại ở dưới thấp, khác nào tự sát? Lúc này DKZ82 trên chốt không còn. DKZ82 là hỏa lực chủ công không hiểu sao đại đội lại chorút về phía sau. Ông Du đề nghị đại đội cho tập kích hỏa lực vào đội hình địch ngay khi chúng vừa đến, chưa có công sự. Nhưng chờ mãi, đã mấy lần quay điện thoại yêu cầu khẩn thiết, mấy ông chỉ huy đại đội vẫn im lặng. Trên chốt vô cùng tức giận, không thể hiểu chỉ huy của mình ra sao nữa.
Đêm ấy, không ai ngủ. Ông Du liên tục điện về đại đội khẩn khoản yêu cầu hỏa lực tập kích ngay vào nơi địch đang tập kết. Từ trên chốt nhìn xuống thấy rất rõ những ánh lửa lập lòe ở khu lều bạt, chúng đang uống cà phê đấy!
Viết lại chuyện này sau 55 năm, cổ tôi vẫn tắc nghẹn, uất ức…
Một đêm dài như vô tận…
Ngày 30/8/1966, trời đã sáng. Tôi nói với ông Du, đề nghị đại đội “cho mượn, hay trả DKZ82 của Vũ Hà về cho chúng ta”. Chỉ cần có khẩu DKZ82 hay DKZ57 với 15 viên đạn, ta sẽ dập tắt cuộc tiến công của chúng, song vẫn không được. Tôi nghĩ, ông Du là Trung đội trưởng đề nghị còn chả được, thì mình là thằng lính quèn phỏng có giá trị gì. Hôm nay tất cả ở lại chốt, không ai sơ tán ra rừng, chờ địch lên. Suốt buổi sáng chẳng thấy động tĩnh gì, mệt mỏi, buồn ngủ. Trời lúc nắng, lúc sương mù là là. Triền đồi phía trước tiền duyên thoai thoải, thời gian qua các loại bom cày xới ngổn ngang, nham nhở. 4 quả bom nổ chậm rơi trúng bãi mìn, tuyến phòng thủ của Đồi Cháy đã bị quét sạch.
Khoảng 12h, chúng tôi chia nhóm ăn vội cơm nắm tại chiến hào, bỗng toác toác… toác toác… Tiếng súng ga-răng, cạc-bin, AR15 ran lên. Địch tấn công, chúng đã tiến rất gần, tiếp theo là mưa lựu đạn. Cuộc đọ sức bắt đầu. Quân ta tức khắc đáp trả bằng lựu đạn cùng những loạt AK đanh gọn chuẩn xác. Tôi và Nãng đảm nhiệm cánh trái. Bình tĩnh quan sát, thấy lựu đạn của chúng chưa tới chỗ chúng tôi, chúng còn nằm ngoài miệng hố bom. Tư thế ném lựu đạn nằm sấp nghến cố nên chúng không ném được xa, nhưng phải thừa nhận lựu đạn US của nó nổ ác thật. Tiếng cạc-bin, AR15 như ngô rang, tiếng ga-răng toác toác chói tai. Tôi phát hiện có 2 tên đang bới bới miệng hố bom để giá súng B90. Trong lúc chúng còn loay hoay, tôi chỉ cho Nấng, Nẵng gật gậtBắn B40 ở chiến hào cực kỳ nguy hiểm vì có khối chắn phía sau. Năng cơ động ra trái chừng 5m, anh vác súng lên vai, nghến cao người bóp cò, một luồng lửa vút đi nổ tung ụ đất mép hố bom, một thẳng cùng khẩu B90 bị hất bay lên. Có tiếng la hét khiếp đảm. Nãng nhanh chóng lùi lại, tôi giơ tay báo hiệu cho Nấng “ngon rồi”. Không ngờ chúng còn 1 khẩu B90 thứ 2 nữa, nó lợi dụng đoạn thành chiến hào, giá được chân súng bắn liền 2 phát về phía chúng tôi, trong khi tôi đang vung lựu đạn về phía chúng. Một quầng lửa da cam trùm lên trước mặt Nẵng, người tôi nóng rát, ngực như bị đè nghẹt thở. Nấng sụm người xuống chiến hào, tôi lao lại lay gọi: “Nẵng, có sao không?” Người anh mềm nhũn, không thấy giọt máu nào, da trắng bệch. Nãng không trả lời tôi. Anh đã hy sinh rồi! Tim tôi thắt lại. Tôi kéo Nấng lùi lại một đoạn, để anh nằm tựa vào thành 1 hàm ếch, rồi hai tay 2 súng, quay ra vị trí. Tôi dùng tay xoa xuống nền hào lấy đất nhũn trát lên đầu cho tóc cùng màu đất. Khẩu B40 đã lắp sẵn đạn, tôi trườn hẳn lên thành hào, qua màn khói đen đặc, những chớp lựu đạn lóa mắt, tôi quan sát được tên B90 vẫn lù lù nhấp nhô bắn về phía ta. Ghì chắc khẩu B40 trên vai, tôi bóp cò. Quả B40 lao thẳng đến mục tiêu, 1 quầng lửa tím đỏ kết liễu mấy tên giặc đã gây tội ác với Nấng của tôi. Phía tay phải có tiếng hô to của đồng đội: “Bắn tiếp đi”. Còn 2 quả B40 trong bao, tôi nạp tiếp 1 quả, khom khom ra vòng cung cánh trái. Những loạt AK của quân ta ghìm không cho chúng ngóc đầu lên. Chỗ này nhìn rõ bọn chúng vẫn bám thành hỗ bom chưa dám nhảy vào, 4 cái hố bom thế mà có lợi cho ta. Nếu chúng nhảy vào thì tụt xuống hố sâu đến 5, 6m khác nào như chuột chui vào hũ, mà nằm ngoài thì bắn vọt lên trời, lựu đạn cũng với tầm. Nhằm chỗ có mấy thằng nhấp nhô, tôi phụt tiếp 1 quả. Quầng lửa trùm lên và bọn chúng gãy giụa la hét. Khỏi phải nói, tôi sung sướng phấn chấn đến thế nào. Bụi cơm xôi phía sau bị luồng lửa B40 phụt lại làm cháy sém xơ xác, rạp xuống như có bánh xe chà xát. Hỏa lực lúc này của chốt chỉ có khẩu B40 Nắng để lại cho tôi. Địa hình này trung liên không phát huy hết uy lực. Tai tôi ù đặc không nghe gì nữa. Địch lại tung lựu đạn về phía chúng tôi, tôi lùi lại phía sau, bỗng tay trái tôi rã xuống, mắt hoa, cổ nóng hôi hổi. Tôi bị thương do một quả lựu đạn nổ gần. Đúng lúc đó Nhâm chạy tới, phát hiện tôi bị thương, Nhâm nói gì nhưng tôi có ngheđược đâu. Băng cánh tay, băng cổ cho tôi xong, Nhâm phát hiện ngực cũng có máu đang rỉ ra, thế là hẳn dùng dao găm rạch áo tôi ra, cái áo Tô Châu đẹp thế mà xé ra, tôi tiếc quá. Từ đó tôi cởi trần, tay trái treo lên cổ. Tôi quát Nhâm, cối 60 đâu sao không nện? Nhâm ghé sát tai tôi nói trận địa trong tầm lựu đạn của nó không thể bắn cối được, rồi Nhâm lao vào ngách hào trung tâm.
Lúc này trên người tôi không mặc áo, dĩn thi nhau đốt, ngứa quá tôi cứ thế cọ vào thành hào, tay trái liệt, miệng cắn nắp lựu đạn, tay phải vung mạnh lựu đạn về phía địch. Hết số lựu đạn ở hàm ếch này, tôi sang hàm ếch khác. Chúng tôi đã chuẩn bị đón tiếp bọn chúng hàng chục hòm lựu đạn. Loại lựu đạn gang quả na nổ rất tốt, nhưng loại chày gỗ thì nhiều quả tịt, do để trong chiến hào lâu ngày nó bị ẩm, giật dây ném chỉ xì khói chứ không thèm nổ. Ấy vậy nhưng cũng làm cho bọn địch hoảng sợ, chúi đầu chờ nổ. Tôi đã ném không biết bao nhiêu quả lựu đạn, cánh tay mỏi rã rời, miệng đen xì vì nhựa đường ở nắp lựu đạn.
Chiều, đạn địch thưa dần, tôi lom khom chạy vào chiến hào trung tâm đề nghị Năm cho tập trung lựu đạn, chia 2 mũi phản công, kẹp chúng vào giữa, nếu để chúng củng cố rồi tấn công tiếp ta sẽ bất lợi. Tất cả đồng ý. Sơ bị trúng đạn nằm im nhưng tỉnh táo. Tôi cùng 3 đồng chí quay ra cánh trái, 3 đồng chí ở giữa, 3 đồng chí vòng phải, mỗi người chuẩn bị 4 – 5 quả lựu đạn, 4 băng AK, 2 băng buộc tráo đầu đuôi lắp sẵn vào súng. Hiệu lệnh là phát B40 của tôi bắn vào giữa đội hình địch đang nhấp nhô sau rìa hố bom. Cũng đúng lúc này lực lượng cơ động của đại đội đã lên, tiếng lựu đạn, tiếng AK, tiếng hô xung phong vang trời, khói lửa trùm lên cả một vạt dài phía tiền duyên, địch la hét hoảng loạn, đứa sống sót lao xuống chân đồi. Nhiều tên nằm lại thoi thóp, bất động….
Sau một hồi, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Anh em đi tìm thương binh, tử sĩ trong các ngách hào. Có một phép màu là Sơ đứng gác cạnh gốc cây cụt, bị phát súng ga-răng đầu tiên từ dưới nách phải xuyên sang trái mà không hề chạm tim phổi. Sơ vẫn tỉnh táo, thế mới tài, thật là may cho Sơ, một tay đẹp trai nhất tiểu đội, quê xã Tường Tiến, Phù Yên, Nghĩa Lộ.Tôi dẫn anh em đến chỗ Nẵng nằm, người Nãng vẫn mềm nhưng chuyển màu xám. Tôi nắm tay Nắng nghẹn ngào vĩnh biệt người đồng đội thân yêu quê xã Thái Giang, Thái Ninh, Thái Bình. Anh ngã xuống như một anh hùng. Tôi nghe có giọng nói Nam Bộ, và nhận ra Tiểu đoàn phó Lê Văn Duệ mà tôi đã biết từ khi ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 673, Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc hồi ở Nghĩa Lộ. Khi ấy tôi là chiến sĩ báo vụ 15W của trung đoàn, đã có vài lần tôi được gặp ông. Ông Duệ quê Bến Tre, tập kết ra Bắc năm 1955. Thấy tôi cởi trần, toàn thân đỏ vần vì muỗi dĩn đốt, tay trái treo lơ lửng lên cố, ngực quấn băng xộc xệch, đầu bết đất, ông ôm lấy tôi, cái ôm của người chỉ huy, đã 55 năm rồi mà bây giờ tôi vẫn thấy còn ấm áp tận đáy lòng. Thấy ông rất xúc động, tôi cũng cảm xúc theo. Ông cởi cái áo mặc ngoài đã bạc màu, khoác lên người tôi, ông nói “em mặc vào đi kẻo lạnh, cố gắng nhé!”. Ngày ấy chiếc áo đại cán, loại áo có nhiều đường chỉ chần ở 2 bên vai được cánh lính gọi là áo “36 đường gian khổ”. Tôi đã mang chiếc áo ấy cho đến khi hết chiến tranh, năm 1975 tôi mang về tặng lại cho bố mặc, đến khi nó bạc trắng, rách cổ, sờn tay, cụ giặt sạch, phơi khô, cất kỹ trong rương. Mãi khi bố tôi qua đời, sau giỗ đầu con cháu mới “hóa” tất cả áo quần của cụ, trong đó có chiếc áo “36 đường gian khổ” của thủ trưởng Duệ đã tặng cho tôi trên Đồi Cháy. Âm dương đôi ngả, chiếc áo đã đi theo cụ, tôi cảm thấy ấm lòng, đó là năm 2003.
Anh em thu dọn trận địa, khiêng cáng thương binh, tử sĩ về phía sau. Tôi và Sơ được điều trị tại Bệnh viện của Trung đoàn công binh 217 ở hang Thẩm Piu. Nấng được mai táng tại nghĩa trang Bản Ban. Sau trận đánh, anh em tìm mãi không thấy ông Du, ông Mậu. Mãi 2 ngày sau hai ông mới tìm về đơn vị, ông Du bị thương nhẹ vào trán, ông Mậu bị dập ngón tay bóp cò (?!). Kết quả trận đánh, anh em kiếm tra thực địa kết hợp với trên thông báo: Đồi Cháy đã chặn đứng 1 đại đội địch, tiêu diệt 18 tên, phá hủy 2 khẩu B90, thu 8 khẩu súng cạc-bin, AR15 và ga-răng, 22 quả lựu đạn. Ta hy sinh 1 đồng chí và 4 người bị thương.
Ra viện tôi trở về Đồi Cháy, anh em ôm nhau trào nước mắt. Từ sau ngày 30/8, Đồi Cháy trở lại bình yên. Năm ấy, Nẵng được truy tặngHuân chương Chiến công hạng Nhì. Võ và tôi cùng được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, được bầu là chiến sĩ Quyết Thắng. Võ được về nước học sĩ quan; còn tôi được phong hạ sỹ, giao chức Tiều đội phó.
Câu chuyện “Đồi Cháy” mà tôi kể trên, với chúng tôi nó là trận đánh “vỡ lòng”, lần đầu tiên trong đời được giơ súng ngắm bắn vào kẻ thù. Thật vô cùng khó tả. Nghĩ lại ngày ấy, từ cán bộ đại đội đến lính đều rất non nớt, “ngây thơ”. Giá như đêm hôm trước đại đội cho nện vài chục quả cối, DKZ thì 3 đời sau nó cũng không dám bén mảng đến Đồi Cháy, hoặc cắm cho 1 quả mìn ĐH10, quạt 1 phát bay nửa đại đội của địch. Thế mà không làm? Bao nhiêu là “giá như”…
Những ngày tháng tám lịch sử này, tròn 55 năm diễn ra trận chiến Đồi Cháy cũng tròn 55 năm ngày truyền thống Trung đoàn 866 anh hùng (26/8/1966 – 16/8/2021), xin thắp nén tâm hương tưởng niệm các anh em đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Đồi Cháy, ở Phu Noọng, ở khắp nẻo chiến trường ba nước Đông Dương – nơi những chiến sĩ Quốc tế Trung đoàn 866 đã đi qua. Tôi cũng gửi lời tri ân các đồng đội đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Không có đồng đội, tôi sẽ không còn đến hôm nay.
Chặng đường chinh chiến của những người lính trận dài, ngắn khác nhau, có nhiều người không bao giờ trở về, có người may mắn “thọ” đến lúc về hưu, sau hưu, nhiều người mang thương tật, chất độc hóa học, khổ suốt đời, cũng có người thành ông tá, ông tướng. Cho dù là ai, làm gì, ở đâu, tận trong sâu thẳm trái tim mỗi người vẫn là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng và sâu nặng.
Tháng Tám về thương nhớ đầy vơi!
Đào Hạng