Đại tá Triệu Hồng Chiến
Trong lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào qua các thời kỳ có rất nhiều Chuyên gia Việt Nam giúp bạn Lào trên nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau… Trong số hàng vạn những người con ưu tú của Việt Nam đã nối tiếp nhau tình nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp quốc tế cao cả ấy, có đồng chí Hoàng Xuân Thái – Trưởng đoàn chuyên gia Tuyên – Văn – Giáo – Huấn tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Từ phải sang: Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản, Trưởng ban Tuyên huấn Xànằn Xútthichắc, đồng chí Hoàng Xuân Thái và chuyên gia quân sự
Thật tình cờ, nhân dịp cùng Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam TP. Hà Nội cùng đại diện Câu lạc bộ con em chuyên gia Đoàn 959 – Ban Công tác miền Tây đến Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Hà Nội tặng hoa chúc mừng 46 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2021), trong lúc ngồi chờ Đại sứ tiếp các Đoàn Trung ương, Bộ, ngành đến trước, tôi có dịp trò chuyện với đồng chí Lê Hồng Hoa (con gái bác Đào Việt Hưng, tức Lê Giang) – Chuyên viên 9 Ban Công tác miền Tây (hàm Bộ trưởng) và đồng chí Trần Việt Tuấn, con trai út bác Hoàng Xuân Thái (tức Trần Kim Giám) – Chuyên gia kỳ cựu tại Ban Công tác miền Tây (hàm Bộ trưởng). Cả hai vốn đều được nuôi dưỡng, học tập tại Trại trẻ 959 và Ban Công tác miền Tây, nơi trông giữ hầu hết con em cán bộ, chuyên gia đi công tác tại Lào trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, đặc biệt từ năm 1965-1969.
Từ câu chuyện bên lề thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn đế có những dòng, trang ít ỏi nói về bác Hoàng Xuân Thái trong cuốn sách đầy ý nghĩa Ký ức người lính. Biết bao những chiến công có tên, có tuổi và cả những chiến công thầm lặng, những câu chuyện hùng, bi sâu lắng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn Lào trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và cả trong sự nghiệp xây dựng đất nước của bạn Lào chưa được khơi dậy vì chiến tranh quá dài, quá ác liệt, chiến trường quá rộng lớn mà đội ngũ nhà văn, nhà báo lại quá ít không thế phản ánh hết và kịp thời, chính vì vậy mà Ký ức người lính là nơi hội tụ những mảng hồi ký, những câu chuyện thực nói về mình, kế cho nhau nghe… để chính chúng ta, bạn bè, con cháu, hôm nay và mai sau mãi lắng đọng những hình ảnh đẹp, kỷ niệm sâu sắc tại chiến trường nước bạn sẽ hòa vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Thật may mắn, sau đấy Trần Việt Tuấn đã gửi tặng tôi cuốn truyện ký Như cánh chim bằng của nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp đã ghi chép, kể lại những chuyện người thật, việc thật trong những bối cảnh cụ thể của người cán bộ, chuyên gia, một chiến sĩ cách mạng trung kiên đó là đồng chí Hoàng Xuân Thái.
Cuốn truyện ký dài hơn 200 trang nói khá đầy đủ, chi tiết về những năm tháng hoạt động của ông, đặc biệt kế từ khi ông được Trung ương điều sang Lào làm chuyên gia ngay trước khi mở ra Chiến dịch Thượng Lào (13/4 – 18/5/1953) cho đến năm 1975 đất nước Lào hoàn toàn giải phóng và thiết lập chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thì ông mới về nước. Ông trọn nghĩa, vẹn tình với cách mạng Lào, với nhân dân Lào hơn 20 năm của thời kỳ trai trẻ, sức thanh xuân tâm lực sung mãn nhất. Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn, tôi chỉ trích lược phần ghi chép về những công việc, năm tháng ông có điều kiện gần gũi cũng như tình cảm của ông và gia đình với Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông để chúng ta cảm nhận thêm được một trong những công việc thầm lặng của người chuyên gia, cố vấn Việt Nam và chúng ta cũng hiểu sâu sắc thêm về đất nước, lãnh tụ, nhân dân, cách mạng Lào qua các thời kỳ và hiểu sâu sắc thêm về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Đồng chí Hoàng Xuân Thái tên thật là Trần Kim Giám, sinh năm 1927 tại Tiền Hải, Thái Bình, mất năm 2019 tại Hà Nội. Ông là một lão thành cách mạng, 70 năm tuổi Đảng, được kết nạp vào Đảng trước Cách mạng Tháng 8/1945 tham gia hoạt động cách mạng ở tại địa phương sau được trên điều động lên chiến khu Việt Bắc từ năm 1949. Ông từng được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều trọng trách: Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Hủa Phăn (Lào) năm 1956-1957, Ủy viên Khu ủy Tây Bắc năm 1958, sau đó là Ủy viên Thường vụ Khu ủy phụ trách nông thôn miền bắc Tây Bắc, Ủy viên Thường trực Đoàn ủy Đoàn 959 Chuyên gia giúp Lào, Ủy viên Ban cán sự miền Tây Trung ương, Trưởng Ban phụ trách các ngành Tuyên – Văn – Giáo – Huấn, giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Neo Lào Hắc xạt (Mặt trận Lào yêu nước). Ông được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân Lào quý mến, được các đồng nghiệp và đồng đội tin yêu, kính trọng.
…“Một ngày đầu năm 1954, nhận lời mời của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Hoàng Xuân Thái đến nhà riêng của Bộ trưởng Quốc phòng Lào tại Bản Xiềng, bên đường 217. Sau lời hỏi thăm sức khỏe là cuộc trao đổi về việc mở các lớp huấn luyện, thành lập chính quyền mới, đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho biết các đơn vị quân đội Pathét Lào phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam đã nhổ nhiều đồn bốt địch trên các chiến trường, mở rộng vùng giải phóng. Qua chiến đấu ngoan cường, quân đội Lào đã trưởng thành. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, sau khi trao đổi với Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân đội Lào quyết định xây dựng bước đầu một số tiểu đoàn. Trang bị vũ khí, khí tài cho các tiểu đoàn là cần thiết nhưng cũng không thể thiếu việc huấn luyện chính trị cho hạ sĩ quan, sĩ quan của các tiểu đoàn này. Tình hình mới đòi hỏi quân đội Lào không chỉ nhanh chóng trưởng thành về tổ chức, về kinh nghiệm chiến đấu mà còn rất cần trưởng thành về phẩm chất chính trị.
Nhất trí với quan điểm của đồng chí Cayxỏn Phômvihản trong cuộc gặp thân tình, Hoàng Xuân Thái nói việc huấn luyện chính trị cho quân đội cách mạng luôn là nhiệm vụ quan trọng, làm thường xuyên. Những thanh niên Lào mới đây còn cày cuốc trên đồng ruộng, chặt cây, đốt rẫy, trỉa ngô, lúa trên nương, một số vừa rời ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi của Neo Lào Ítxala, họ tình nguyện nhập ngũ giết giặc. Hầu hết chưa qua trường lớp chính trị, rất cần thiết mở các khóa bồi dưỡng cho họ về truyền thống yêu nước của cha ông; âm mưu, tội ác của bọn thực dân đế quốc đối với Lào; vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng cách mạng; chương trình hành động của Neo Lào ĺtxala và bản chất tốt đẹp của Quân đội cách mạng Lào. Từ nhân dân mà ra, cán bộ chiến sĩ quân đội Pathét Lào tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh tính mạng. Cần bồi dưỡng tư cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ; gần dân bản, thương yêu, kính trọng dân, giúp đỡ dân và sẵn sàng hy sinh vì nhân dân…
Sau Hiệp định Cánh Đồng Chum (12/6/1962), Chính phủ liên hiệp ba phái thành lập. Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào ký ngày 23/7/1962, quốc tế cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Lào. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược, biến Lào thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới. Mỹ tăng cường viện trợ cho Chính phủ Phu-mi-nô-xa-vằn tăng cường quân đội phái hữu, gấp rút xây dựng lực lượng đặc biệt Vàng Pao, đưa quân đánh thuê Thái Lan và cố vấn Mỹ vào Lào…
Trước tình hình mới, tháng 5/1964, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Hoàng Xuân Thái đến địa bàn chiến lược nóng bỏng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng để quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phương hướng, nhiệm vụ do Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề ra: Phát động chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, xây dựng củng cố vùng giải phóng toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự với quy mô rộng lớn…
Hoàng Xuân Thái có nhiều dịp gặp Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản để trao đổi công tác huấn luyện cán bộ, xây dựng cơ sở. Từ quan hệ công tác chắp cánh cho những cuộc gặp thân tình giữa gia đình Hoàng Xuân Thái với gia đình các đồng chí lãnh đạo Lào ở chiến khu Viêng Xay. Phu nhân Hoàng Xuân Thái là bà Nguyễn Thị Huệ, một Việt kiều yêu nước, lính tình nguyện từng hoạt động ở Thái Lan (bà sinh năm 1928 tại Viêng Chăn, được bố mẹ cho về nước học tại trường Đồng Khánh (Huế) 2 năm rồi sang Lào, bà tham gia hoạt động xây dựng cơ sở ở Viêng Chăn, Luông Pha Băng). Bà được kết nạp vào Đảng năm 1950 tại Chi bộ Viêng Chăn. Cùng hoạt động ở căn cứ bí mật này còn có Thoong Vin, 16 tuổi (sau này là phu nhân của đồng chí Cayxỏn Phômvihản). Cùng ở một lán trong cánh rừng già, cùng đi cơ sở, Huệ thường trao đổi với Thoong Vin về kinh nghiệm công tác cơ sở và những chuyện thầm kín. Hai người tin yêu nhau và kết nghĩa chị em từ đó. Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động bí mật ở Viêng Chăn, trong đó có Nguyễn Thị Huệ và Thoong Vin được tập kết về chiến khu Viêng Xay. Nguyễn Thị Huệ và Thoong Vin là hai nữ cán bộ nòng cốt của Tổ công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở.
Trong quá trình hoạt động và thân quen, Hoàng Xuân Thái đã kết duyên cùng Nguyễn Thị Huệ, lễ cưới tổ chức vào 02/9/1954 tại căn nhà tre lợp nứa, nơi làm việc của Ban cán sự. Gia đình đồng chí Nguyễn Khang, gia đình đồng chí Mai Côn cùng đông đảo chuyên gia ta và cán bộ Lào có mặt. Hơn một tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Cayxỏn Phômvihản (34 tuổi) đẹp duyên cùng Thoong Vin. Lễ cưới tổ chức vào 20/10/1954 tại ngôi nhà của Chủ tịch Neo Lào Ítxala. Chủ tịch Xuphanuvông buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho đôi trai tài, gái sắc.
Nhiều lần vợ chồng Hoàng Xuân Thái có dịp đến thăm người em kết nghĩa Thoong Vin, thường được gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Khi hai chị em nói chuyện về gia đình, con cái thì Hoàng Xuân Thái và đồng chí Cayxỏn Phômvihản lại có dịp trao đổi về công tác tuyên truyền, huấn học, rút kinh nghiệm về những việc đã làm và bàn cả những công việc trong thời gian tới.
Năm 1963, nhận lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, gia đình đồng chí Cayxỏn Phômvihản tham quan, nghỉ mát ở Sầm Sơn. Trong chuyến nghỉ dưỡng này, khi được đồng chí Cayxỏn Phômvihản mời, Hoàng Xuân Thái đưa gia đình đến thăm và cùng cho các cháu vui chơi, tắm biển tại đây.
Gắn bó từ chiến khu Viêng Xay, sau năm 1975, bà Thoong Vin, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Lào nhiều lần sang Hà Nội công tác đã dành thời gian đến thăm người chị kết nghĩa.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, các Ban cán sự Trung Lào, Tây Bắc Lào, Thượng Lào và Hạ Lào thống nhất thành Ban cán sự Lào do đồng chí Nguyễn Khang làm Bí thư kiêm Chính ủy Bộ đội tình nguyện, đồng chí Mai Côn làm Phó Bí thư, đồng chí Võ Thúc Đồng phụ trách Văn phòng cán sự. Đồng chí Tạ Xuân Thu là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí Đào Việt Hưng là Phó Chính ủy Quân tình nguyện. Đồng chí Nguyễn Chính Giao và Hoàng Xuân Thái phụ trách về tuyên truyền và huấn luyện. Nhiệm vụ của Ban cán sự Lào: Giúp thống nhất lực lượng cách mạng, mở rộng khu giải phóng, củng cố Đảng về tư tưởng, tổ chức theo quyết định của Đại hội lần thứ hai Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2/1951) để tiến tới thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Tại chiến khu Viêng Xay, Hoàng Xuân Thái làm trợ lý cho đồng chí Nguyễn Khang, được phân công làm nhiều việc. Sau khi thăm Phó Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phumi Vôngvichít; thăm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chạu xúc Vôngsắc, Hoàng Xuân Thái đến thăm Chủ tịch Xuphanuvông bàn về công tác tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ, đảng viên, bộ đội và nhân dân sau ngày giải phóng.
Ít lâu sau buổi làm việc trên, khi được mời, Hoàng Xuân Thái đã đến thăm nhà ở của Chủ tịch Xuphanuvông. Nhà của Chủ tịch làm bằng tre nứa, trên đồi cao có nhiều cây to bóng mát. Bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, phu nhân của Chủ tịch Xuphanuvông (bà từng là Hoa hậu thành phố biển Nha Trang) đã tiếp thân mật Hoàng Xuân Thái. Sau đó Chủ tịch Xuphanuvông mời Hoàng Xuân Thái trao đổi riêng. Trong cuộc gặp thân tình này, với kinh nghiệm công tác từng trải qua, Hoàng Xuân Thái trình bày dự kiến những công việc cần tiến hành. Tỉnh Hủa Phăn đãđược giải phóng, việc thiết lập ngay chính quyền mới ở các bản, mường để duy trì trật tự an ninh, thúc đẩy sản xuất, chăm lo sức khỏe, việc học hành và đời sống nhân dân là rất cần thiết. Phải tuyên truyền, và giải thích cho cán bộ và nhân dân hiểu bản chất của chính quyền mới khác với chính quyền cũ.
Hủa Phăn mới giải phóng, chưa có chính quyền mới. Để cán bộ và nhân dân biết chính quyền mới khác chính quyền cũ phải tuyên truyền, giải thích cho mọi người rõ tình hình hiện nay, âm mưu của thực dân, đế quốc chưa từng bỏ dã tâm xâm lược Lào – Việt – Miên. Tuyên truyền rộng rãi chương trình hành động của chính phủ kháng chiến, của Mặt trận Lào, nhiệm vụ của chính quyền mới và của tổ chức Mặt trận. Cán bộ của Chính quyền, Mặt trận phải gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Tại chiến khu Viêng Xay, Hoàng Xuân Thái có nhiều dịp tiếp xúc với chủ tịch Xuphanuvông. Hàng ngày tổ chuyên gia Thông tấn xã ở Phu Khe cung cấp cho ông bản tin phổ biến, bản tin tham khảo, nhận telex từ số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đó là những động thái về chính trị, quân sự, ngoại giao ở Việt Nam, Lào, Campuchia và trên thế giới… Là người chỉ huy khối chuyên gia, tuyên truyền nên khi biết tin tức sớm thì Hoàng Xuân Thái chủ động thông báo với Chủ tịch Xuphanuvông, cũng có khi Chủ tịch Xuphanuvông chủ động mời ông đến trao đổi nội bộ.
Đầu năm 1963, đang công tác ở Sầm Nưa, nhận được điện của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh: “đồng chí Thái về nước ngay, nhận nhiệm vụ khẩn cấp”. Về đến Hà Nội, Hoàng Xuân Thái đến gặp các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương được biết: Chủ tịch Xuphanuvông vừa có chuyến công tác ở Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng chỉ đạo việc xây dựng và củng cố lực lượng trung lập, chống lại âm mưu lôi kéo, phá hoại của các thế lực phản động và tay sai.
Chủ tịch về qua Hà Nội kiểm tra sức khỏe, nay muốn trở về Sầm Nưa kịp vào Tết cổ truyền của Lào, gặp gỡ đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc trong dịp này. Hoàng thân công bố thông điệp của Trungương Neo Lào Hắc xạt về tình hình nhiệm vụ mới, phương hướng đấu tranh chống mọi âm mưu của Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai phá hoại hòa hợp dân tộc, kéo dài chiến tranh ở Lào. Đây cũng là chuyến trở lại Sầm Nưa của Chủ tịch kể từ khi tham gia Chính phủ liên hợp lần thứ nhất năm 1957, rồi bị chính quyền phái hữu bắt giam tại nhà tù Phôn Khêng và cuộc vượt ngục thần kỳ trở về vùng giải phóng. Phía quân sự đã chuẩn bị máy bay đặc biệt đưa Chủ tịch đi Chiến khu Viêng Xay. Hoàng Xuân Thái được giao nhiệm vụ thu xếp mọi việc giữ bí mật và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trong chuyến bay trở về Sầm Nưa ấy, xuất phát từ sân bay Gia Lâm trên chiếc An 2 chỉ có Chủ tịch Xuphanuvông, phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam và Hoàng Xuân Thái cùng tổ lái. Khi đến Sầm Nưa, từ trên máy bay bước xuống, Chủ tịch tươi cười vẫy tay chào mọi người, không ai bảo ai, mọi người chạy ào đến vây quanh Chủ tịch vẫy cờ, hoa, thăm hỏi sức khỏe trong bầu không khí thân tình, xúc động. Mãi một lúc sau, anh em bảo vệ và lễ tân có lời xin lỗi bà con để đón Chủ tịch và phu nhân về nhà khách. Chủ tịch Xuphanuvông, bà Nguyễn Thị Kỳ Nam và Hoàng Xuân Thái vừa đi vừa ngắm quang cảnh thị xã Sầm Nưa đổi mới sau 10 năm giải phóng.
Chủ tịch Xuphanuvông nói: “Kẻ thù của nhân dân Lào còn có những âm mưu và hành động xảo quyệt hòng đẩy mạnh cuộc chiến tranh tàn khốc ở Lào. Đế quốc Mỹ và lực lượng phản động thân Mỹ vẫn điên cuồng mở chiến dịch lấn chiếm vùng giải phóng nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến và yêu nước. Chủ tịch khẳng định Đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai phản động cuối cùng sẽ thất bại trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào”. Những cuộc tiếp xúc của Hoàng thân Xuphanuvông với các tầng lớp nhân dân trong dịp này đã được các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế đưa tin rộng rãi và có tác dụng vô cùng to lớn. Trong chuyến đi với Chủ tịch Xuphanuvông, đồng chí Hoàng Xuân Thái không những được chứng kiến tình cảm chân thành, kính trọng của nhân dân Lào đối với lãnh tụ của mình mà còn được nghe Chủ tịchnói chuyện về sức mạnh đoàn kết, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…”.
Sau năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Lào, đồng chí Hoàng Xuân Thái về nước nhận công tác mới, bên cạnh công việc chính tại Ban Công tác miền Tây ông còn là cố vấn bậc 2 Tòa án Nhân dân tối cao. Cũng ngay sau 1975, dù đang công tác tại Hà Nội nhưng Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã cử đồng chí Xuvăndi Xixavat (cán bộ Văn phòng Tổng Bí thư) tìm đến tận nhà riêng trao thư của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản mời ông tham gia đóng góp ý kiến vào Tài liệu quan trọng: Văn kiện tổng kết “Thắng lợi vẻ vang 30 năm cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào”. Ông đã có những ý kiến đóng góp thiết thực được Tổng Bí thư đánh giá cao. Đến 1980, đồng chí Hoàng Xuân Thái được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu.
Qua những đoạn ghi chép về đời thực, việc thực của đồng chí Hoàng Xuân Thái, một chuyên gia tầm chiến lược có nhiều năm tháng gắn bó với cách mạng Lào, đặc biệt là thời gian làm việc bên cạnh các đồng chí lãnh đạo cao nhất của bạn, về tình cảm giữa ông với Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và giữa các gia đình thật thân thiết, gần gũi… ta hiểu thêm vì sao hai nước Việt Nam – Lào lại gắn bó khăng khít với nhau trong mối quan hệ đặc biệt đến như thế.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư Cayxỏn Phômvihản đã đánh giá: “Sự giúp đỡ của Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Lào. Các đồng chí chiến sĩ quốc tế, đặc biệt là Việt Nam, chấp hành chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho bạn, kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời. Trên chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lắng cùng với xương máu của các cán bộ và nhân dân các Bộ tộc Lào”.