Đại đội 255 của tôi là đơn vị cơ động của Mặt trận Thượng Lào với nhiệm vụ đánh địch và xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng cơ sở để đánh địch trên các địa bàn tranh chấp, vùng ven và địch hậu. Đơn vị đang hoạt động trên trục lộ số 6B và vùng ngoại ô bản Ban, đường số 7 thì được lệnh hành quân về khu vực bản Na Cang, Na Khai để nhận nhiệm vụ mới. Na Cang, Na Khai là hai bản người Lào Lùm nằm trên khu vực sông Nậm Nhiếp, có Quốc lộ 4 từ thị xã Xiêng Khoảng đi Tha Thơm, Bolikhamxay là những bản nằm trên địa bàn tranh chấp.
Dân bản Lào với bộ đội Việt Nam sau những trận chiến đấu (Ảnh: Tư liệu kháng chiến chống Pháp)
16 giờ ngày 12/4/1952 đơn vị dừng lại nghỉ ở bờ sông Nậm Nhiếp, cách bản Na Cang, Na Khai 500m về phía hạ nguồn. Đứng trên sườn đồi quan sát thấy dân bản đang hối hả chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của bạn Lào, đó là cái tết Bunpimay. Một cái tết mà trước lúc sang đất nước Lào ai cũng được phổ biến nên hiểu khá tường tận, chi tiết và chờ đợi như ngày tết của mình. Bunpimay là lễ hội năm mới nhưng cũng có nghĩa là lễ hội té nước (Bun-hốt-nặm). Với đặc điểm, tính chất và nghi thức, hoạt động chủ yếu là “té nước” gắn với tục lệ té nước vốn có từ lâu đời, Bunpimay (lễ hội năm mới) hay Bun-hốt-nặm (lễ hội té nước) nghiễm nhiên trở thành Cutpimay (tết năm mới) hay cutxôngcan (tết té nước), một cái tết mang nhiều nét đẹp bản sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Lào.
Như vậy là có đến 4 cái tên thể hiện một cái tết, một lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất của nhân dân Lào. Nhưng đã thành thói quen người dân Lào vẫn thường gọi 4 cái tên thân thuộc đó bằng một cá tên quen thuộc nhất là Bunpimay. Cho nên người nước ngoài đến đất nước Lào cũng đều tôn trọng và tuân theo cách gọi này. Bunpimay bắt đầu vào giữa tháng 4 dương lịch (thường là các ngày 13, 14, 15 nhưng cũng có năm là các ngày 14, 15, 16) hay tháng 5 theo Phật lịch của Lào.
Sau một ngày hành quân vất vả, anh em được nghỉ ngơi, cán bộ đi nghiên cứu địa hình, lên phương án sẵn sàng chiến đấu, chọn các vị trí quan sát, cảnh giới, phổ biến những quy định trong thời gian trú quân và cử cán bộ vào bản tìm hiểu tình hình về dân bản Na Cang.
Ông trưởng bản cho biết trước đây đã vài lần có mấy cán bộ Pathét Lào và Việt Nam vào gặp dân nói về các chủ trương đường lối của Mặt trận Lào tự do, vận động dân bản làm sạch nhà, đường, giữ gìn sức khỏe.
Bản có gần 40 nóc nhà, nhờ có nhiều ruộng lúa nước nên đời sống nhân dân tạm ổn. Dân bản chịu khó làm ăn, không có ai đi lính cho phía nào cả. Thỉnh thoảng có một toán lính từ thị xã Xiêng Khoảng về hay từ Viêng Chăn ra, họ đến bản chỉ xin rượu uống, cơm ăn và chơi bời với con gái, hỏi chuyện tình hình qua loa rồi ra đi trong ngày, chưa bao giờ nghỉ lại đêm.
Hiểu sơ bộ về dân bản, đơn vị quyết định: sáng sớm ngày 13/4 cho một phần ba lực lượng, cụ thể là mỗi tiểu đội cử một tổ 3 người thông thạo tiếng vào ở nhờ nhà dân để nắm bắt tình hình và làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng.
Lần đầu tiên tiếp xúc với một số lực lượng lớn Quân tình nguyện Việt Nam, trong tâm trí mỗi người dân còn đọng lại những gì mà kẻ địch đã nhiều lần nói về Quân tình nguyện Việt Nam như: đói, rách, xin ăn, cướp bóc, hãm hiếp…, nên khi tiếp xúc với bộ đội ai cũng tỏ thái độ thăm dò, dè dặt, xa lạ, kiệm lời… nhất là với chị em phụ nữ.
Sau khi ổn định nơi ở, anh em xin phép các gia đình được thu gọn các dụng cụ, củi dưới gầm sàn, làm vệ sinh dưới nhà, chỉ trong một buổi sáng các đống củi, vật dụng được sắp xếp lại gọn, đẹp, phân trâu, lợn, gà được đưa chôn lấp sạch sẽ, thấy bộ đội lao động vất vả một số thanh niên cũng chủ động tham gia, các cụ ông, cụ bà không muốn cho bộ đội lao động vì là ngày tết ai cũng phải được nghỉ, được ăn tết nhưng anh em xin phép làm xong sẽ vui tết cùng dân bản.
Ông trưởng bản thì lần lượt đến từng nhóm bộ đội khen ngợi, cảm ơn và mời bộ đội ở lại dự cái tết cổ truyền và buổi tối cùng múa hát với dân bản.
Lần đầu tiên múa lăm vông có bộ đội Việt Nam tham dự nên các cô gái chưa mạnh dạn mời các chàng trai Việt Nam vào múa cặp. Ông trưởng bản luôn động viên nhắc nhở các cô gái hãy mạnh dạn mời bộ đội vào cùng múa nhưng không ai mời bộ đội cả. Để phá tan sự e ngại của các cô gái, ông trưởng bản đứng dậy mời tôi và một người lớn tuổi mời anh Vinh vào múa được 2 vòng thì ông trưởng bản mời 2 cô gái vào thay 2 ông để múa cùng tôi và anh Vinh. Từ đó nhiều thanh niên xin vào nghỉ để các cô gái mời bộ đội vào múa, các cô gái Lào hiểu rằng, thanh niên Việt Nam không những biết hát, múa mà còn khéo léo dẫn dắt người con gái uốn lượn vui tươi theo ý mình…
Hôm sau, ngày 14/4, ngày tết chính của bạn Lào (như ngày mồng một tết âm lịch của Việt Nam) nam, nữ ra đường ai cũng xách theo một, hai ống nước, hễ gặp ai là sẵn sàng dội lên người. Nếu chú ý quan sát thì khó mà tìm được một nam hay nữ trẻ tuổi có bộ quần áo khô ráo trong những ngày này.
Với bộ đội Việt Nam thì các cô gái chỉ dùng tay vốc ít nước vấy lên người, mỗi lần như vậy lại được các chàng trai Việt Nam đón nhận với thái độ vui mừng như được nhận lộc và cảm ơn. Với thái độ như vậy nên sau đó các chàng trai bộ đội đã được tặng những ống nước đầy và ai cũng ướt sũng nhưng vẫn hân hoan tươi cười đầy mãn nguyện. Bộ đội còn tham gia các nghi lễ như đắp núi hay các trò chơi thể thao như ném còn, té nước vào nhau ở bến sông.
Đang vui tết với dân bản thì tổ cảnh giới từ phía bản Na Khai báo tin là có 2 người dân muốn gặp cán bộ. Họ cho biết là có khoảng 20 tên địch đang ăn tết ở bản Na Khai và nghe chúng nói là chiều nay sẽ về bản Na Cang (sau này mới biết 2 người đó là cơ sở của Mặt trận Lào tự do, tướng Lào là Neo Lào Ítxala). Nhận được tin báo, Đại đội trưởng Quàng Văn Huyên cử một tổ đi theo 2 người về bám sát địch ở bản Na Khai. Khi biết địch chuẩn bị xuất phát thì báo tin (trong đó có một chiến sĩ dùng trang phục người Lào). Các lực lượng đóng trong bản vẫn vui chơi như không có tin gì về địch nhưng vẫn phải sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị tổ chức một trung đội tăng cường do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy, bí mật luồn rừng về đoạn đường số 4 nối liền giữa 2 bản chọn vị trí phục kích diệt gọn quân địch.
Không gian hẹp (từ bản Na Cang đi Na Khai chỉ 7 phút) thời gian lại gấp nên không thể lựa chọn một trận địa phục kích lý tưởng được, nhưng trong điều kiện cho phép đơn vị đã chọn được một trận địa phục kích thuận lợi để tiêu diệt địch.
Thông thường một trung đội địch hành quân tự do có chiều dài khoảng 100m, đơn vị bố trí tổ chặn đầu do đồng chí Tú – Trung đội trưởng Trung đội 2 phụ trách, tổ khóa đuôi do đồng chí Lợi – Trung đội phó phụ trách, tôi chỉ huy 2 tiểu đội chiếm lĩnh vị trí có lợi để tiêu diệt gọn quân địch, toàn bộ chiều dài trận địa là 120 m, như vậy là thuận lợi cho việc diệt gọn quân địch.
15 giờ ngày 14/4/1952, một chiến sĩ cảnh giới báo tin quân địch đã ra khỏi bản đang đi về bản Na Cang. Đơn vị được lệnh sẵn sàng chiến đấu.
Đúng 15 giờ 50 phút, quân địch rất chủ quan nghênh ngang lọt vào trận địa phục kích, lệnh nổ súng, quân địch quá bất ngờ, nhiều tên đã đổ gục ngay từ những phát đạn đầu tiên của ta, một vài tên lăn xuống sườn núi, dù bị ta truy kích nhưng chúng vẫn tẩu thoát. Trận chiến đấu chỉ diễn ra trong 5 phút, ta tiêu diệt 15 tên, thu 13 súng trường, 1 súng máy, có 5 tên địch chạy thoát, trong đó có 3 tên bị thương (theo tin cơ sở báo lại) tất cả vũ khí và trang bị thu được đều giao lại cho bộ đội Lào. Về phía ta không có ai thương vong, lượng đạn tiêu thụ rất ít.
Kết thúc trận chiến đấu, đơn vị lại bí mật về vị trí đóng quân. Sau trận đánh, ta không thông báo cho dân bản biết. Nhưng cuối cùng thì dân bản Na Cang cũng biết là một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam đang đóng trong bản đã tổ chức trận đánh vừa qua. Dân bản ai cũng vui mừng và mời tất cả bộ đội đang ở ngoài rừng vào bản ngủ, ăn tết và tối nay cùng múa hát lăm vông với dân bản để ăn mừng chiến thắng và ban tặng phúc lộc cho dân bản.
Với nguyện vọng tha thiết của ông trưởng bản, tối hôm đó, ngoài lực lượng cảnh giới các hướng, toàn thể đơn vị vào vui tết cùng dân bản.
Khác với thái độ dè dặt hôm qua, các nam, nữ thanh niên trên tay ai cũng có một ống nước và sẵn sàng dội vào người bất cứ ai kể cả bộ đội. Hầu như không còn anh bộ đội nào còn quần áo khô nữa. Càng được dội nhiều, càng vui và muốn được dội thêm nhiều nữa.
Buổi múa hát tối đó dự kiến đến 1 hay 2 giờ sáng là kết thúc, nhưng càng về khuya không khí càng sôi nổi. Tất cả những gì vất vả, mệt nhọc… đều được trút bỏ. Các nam, nữ thanh niên luôn nở những nụ cười tươi đầy mãn nguyện, các cụ ông, cụ bà ngồi vây quanh cứ râm ran ca ngợi các anh bộ đội Việt Nam, ai cũng to, cao, vui vẻ, niềm nở, có đôi tay dẻo, những bước đi nhịp nhàng, hát hay, múa đẹp…
Kết thúc buổi lăm vông thì trời đã sáng, dân bản mời bộ đội ở lại ăn tết cùng dân bản thêm ngày cuối (15/4/1952) nhưng vì lý do có nhiệm vụ mới nên cảm ơn ông trưởng bản và toàn thể dân bản trong 2 ngày qua đã giúp đỡ bộ đội rất nhiều cả về vật chất và tinh thần, xin phép được rời bản và hẹn một ngày sẽ gặp lại.
Thật không sao kể xiết tình cảm mà các ông bố, bà mẹ, nam nữ thanh niên, em nhỏ đã dành cho anh em chúng tôi. Những gì mà kẻ thù đã tốn nhiều công sức để gây những ấn tượng xấu trong dân bản đã nhanh chóng biến mất, thay vào đó là những dấu ấn, những tình cảm tốt đẹp mà dân bản dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam. Họ coi chúng tôi như những người con của bản đi xa trở về. Ai cũng nài nỉ ở lại thêm một ngày, mặc dù biết là chúng tôi không thể ở lại với dân bản được nữa. Cuộc gặp gỡ rồi chia tay diễn ra chỉ trong 2 ngày, nhiều người chỉ trong một đêm, không một chút quà, chỉ có những lời nói nhớ nhung dành cho nhau, cùng những giọt nước mắt chia ly. Tôi không ngờ rằng một lần đến bản Na Cang ngắn ngủi cùng trận chiến thắng lợi đó lại là lần duy nhất. Từ đó tôi vẫn hằng mong có dịp được về thăm lại bản xưa, cái bản mà chúng tôi chỉ dừng lại 2 ngày, nhưng để lại cho chúng tôi hai niềm vui lớn. Trước hết là vui trận chiến đấu tuy gấp, ta không có dự kiến từ trước nhưng đã giành thắng lợi lớn và niềm vui thứ hai lớn hơn đó là tình cảm, lòng tin, sự thương yêu mà dân bản đã dành cho Quân tình nguyện Việt Nam.
Đại tá Lê Ngọc Quỳnh