Theo trang tin Golden Triangle Special Economic Zone – GTSEZ, ngày 11 – 12/9 vừa qua, đoàn công tác liên hợp tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, do ông Bounton Chanthaphone, Bí thư – Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng và ông Vanxay Phengsoumma, Bí thư – Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn dẫn đầu, cùng đại diện nhiều sở ngành địa phương như tài chính, tài nguyên và môi trường, công thương, kế hoạch và đầu tư, văn hóa thông tin và du lịch, ngoại vụ, quốc phòng của hai tỉnh đã tiến hành đi thăm và làm việc tại Đặc khu Tam giác Vàng, tỉnh Luang Namtha.
Mục đích của chuyến thăm và làm việc nhằm học hỏi kinh nghiệm phát triển khu kinh tế, đồng thời triển khai nội dung các thỏa thuận đạt được trước đó, phối hợp để GTSEZ cử đoàn tới khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Chủ tịch Ủy ban quản lý GTSEZ, Chủ tịch tập đoàn Hong Kong Kings Romans Group chủ đầu tư GTSEZ ông Triệu Vỹ, cùng với Chủ tịch Ủy ban quản lý Đặc khu kinh tế tỉnh Bò Kẹo bà Thongkhoune Phongthongsi đã đón tiếp và làm việc với đoàn công tác.
Trong hai ngày, đoàn công tác lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đã đi thăm quan, khảo sát hàng loạt hạng mục đầu tư quan trọng của GTSEZ như cảng sông vận tải hàng hóa quốc tế, cửa khẩu quốc tế Tam giác Vàng, khu nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi Tây Môn An, công trường xây dựng dự án sân bay quốc tế, khu phố Tầu, bản định cư mới vv…
Theo giới thiệu của GTSEZ, dự án xây dựng cảng sông quốc tế tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng thực hiện trên diện tích hơn 60ha, hiện tại có thể cùng lúc tiếp nhận 6 tầu hàng, sau khi được xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một cảng sông quốc tế tổng hợp gồm vận tải logistics đường thủy, thương mại, du lịch, hàng năm sẽ vận tải lượng hành khách lên đến 800.000 lượt người, lượng hàng hóa lên đến 400.000 tấn. Khu nông nghiệp được GTSEZ đặt tên Tây Môn An áp dụng mô hình hợp tác công ty và hộ nông dân, hiện nuôi hơn 2.400 con bò, trồng hơn 5.000 mẫu cỏ voi và ngô. Hạng mục bản định cư mới có diện tích 110.400 m2, gồm 120 biệt thự hai tầng với công năng đầy đủ, được xem là khu định cư kiểu mẫu cấp quốc gia của Lào. Khu phố Tầu được xây dựng theo nguyện vọng của vợ chồng chủ tịch GTSEZ, mô phỏng, gìn giữ cuộc sống thành thị, văn hóa Trung Quốc.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo GTSEZ và lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, ông Triệu Vỹ cho biết về mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo của GTSEZ gồm “3 lớn” – Hạ tầng lớn, du lịch lớn, nông nghiệp lớn. ông Triệu Vỹ khẳng định sẽ mau chóng triển khai các hoạt động khảo sát, liên kết đầu tư với hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn. Các bên cũng bước đầu trao đổi, đạt được thống nhất về định hướng lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi chính sách nhà nước, chính sách thuế khóa…nhằm đặt nền tảng cho việc tiếp tục khảo sát đầu tư tiếp theo. Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của hai đoàn công tác tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, GTSEZ đã trao tặng số tiền 336 triệu Kíp cho chính quyền tỉnh Bò Kẹo, nhằm ủng hộ công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ của tỉnh này.
Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, ông Triệu Vỹ đã tiến hành chuyến công tác khảo sát tới nhiều địa phương của Lào, trong đó có tỉnh Xiêng Khoảng. Tại buổi làm việc với Bí thư, Tỉnh trưởng ông Bunton Chanthaphon và lãnh đạo các bộ ngành của tỉnh Xiêng Khoảng, ông Triệu Vĩ phát biểu đánh giá Xiêng Khoảng là tỉnh có lịch sử sâu sắc, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên độc đáo. Tập đoàn Kings Romans sẽ tìm hiểu khả năng để thúc đẩy triển khai hàng loạt dự án như trồng chọt chăn nuôi sinh thái, dự án bất động sản trị liệu phục hồi y tế, dự án sân gofl tại tỉnh Xiêng Khoảng, hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía tỉnh. Những động thái dồn dập diễn ra trong thời gian ngắn cho thấy quyết tâm của phía doanh nghiệp Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh của mình tại Lào vượt qua khỏi phạm vi quen thuộc là tỉnh Bò Kẹo, trong đó các tỉnh Xiêng Khoảng với nhiều tiềm năng thế mạnh, vốn được Chính phủ Lào quy hoạch là tỉnh trung tâm đầu tầu lôi kéo kinh tế các tỉnh Đông Bắc Lào phát triển, đang nổi lên hứa hẹn trở thành điểm đón nhận sự đổ bộ đầu tư tiếp theo của doanh nghiệp này.
Tổng hợp