Chính phủ Đức sẽ cung cấp 14.5 triệu EUR để hỗ trợ 2 triệu công nhân trong ngành may mặc bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở 7 quốc gia, trong đó có Lào.
Theo Ecotextile News, khoản hỗ trợ tài chính sẽ được cung cấp thông qua một dự án của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm giảm thiểu tác động đại dịch cho người lao động ở các nước Bangladesh, Ethiopia, Campuchia, Madagascar, Indonesia, Việt Nam và Lào. Đây là một phần của chương trình viện trợ khẩn cấp Covid-19 nhằm hỗ trợ tài chính, vật tư y tế và tuyên truyền nâng cao nhận thức mà ILO đang triển khai.
Theo Hiệp hội Công nghiệp May mặc Lào (ALGI), đã có hơn 26.000 công nhân tại các nhà máy dệt may tại lào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang lây lan trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch ALGI Xaybandith Rasphone mới đây cũng cho biết đại dịch đang tạp ra tác động lớn đến ngành công nghiệp may mặc của Lào khi khả năng xuất khẩu giảm 40-50% trong năm nay, buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm hoặc tạm ngừng hoạt động.
Do đó, nhiều công nhân phải giảm giờ làm hoặc thâm chí nghỉ việc, trong đó lượng lớn là phụ nữ. Việc mất đi thu nhập trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng cao đã gây ra khó khăn và gánh nặng cho kinh tế gia đình.
“90% công nhân may mặc tại Lào là phụ nữ, những đối tượng bà mẹ, trẻ em hoặc đối tượng lao động có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh nghèo đói sẽ được hỗ trợ một lần, thông qua chương trình do chính phủ Đức tài trợ,
Trong tổng số 14.5 triệu EUR, Lào sẽ nhận được khoảng 1.7 triệu EUR để hỗ trợ các công nhân may mặc, thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, theo ông Xaybandith.
Hầu hết các nhà máy may mặc ở Lào bị ảnh hưởng do nhu cầu và đơn hàng giảm sút, đặc biệt là các khách hàng chính ở EU, Nhật Bản, Mỹ và Canada.
Năm 2016, giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Lào đạt 174,23 triệu USD, giảm 7,25% so với năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2018, giá trị năy đã tăng lên 185 triệu USD, theo số liệu thống kê. Báo cáo về số liệu thương mại ngành trong năm 2019 chưa được hoàn thành, ông Xaybandith cho biết.
Liên quan đến khoản tài trợ nói trên, tờ Ecotextile News dẫn lời Phó Tổng giám đốc ILO phụ trách thực địa và quan hệ đối tác, ông Moussa Oumarou cho biết bài học quan trọng từ Covid-19 là cần có hỗ trợ lập tức để doanh nghiệp có thể tồn tại và người lao động được duy trì thu nhập, điều này sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi tốt hơn.
Chiến lược chính của ILO thông qua dự án lần này nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân và người lao động duy trì hoạt động, giảm thiểu gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động công nghiệp may mặc tại 7 quốc gia mục tiêu.
Tổng hợp