Ngày 11/11, ông Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Quản lý thiên tai Trung ương dẫn đầu đoàn làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Attapeu đến thị sát công tác xây dựng nhà tái định cư cho các nạn nhân gặp thiên tai tại các khu vực bản Tamoyot và bản Dongbakmaihinda thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu.
Theo đó, mục đích của chuyến làm việc là nhằm thúc đẩy tiến độ thi công, tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở huyện Sanamxay nhanh chóng có nơi ở kiên cố mới, từng bước ổn định và phát triển cuộc sống.
Dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân Sanamxay bao gồm 700 căn nhà kiên cố, do Công ty thủy điện Xepian-Xenamnoy, Chính phủ Thái Lan và dự án UN-HABITAT của Nhật Bản cung cấp tài chính, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2021, 3 năm sau khi sự cố vỡ đập xảy ra.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện nhà thầu cho biết việc xây dựng bị chậm trễ bởi khó đạt thỏa thuận được do người dân “đòi hỏi cao”, đồng thời, việc quy hoạch vị trí cũng chưa hợp lý, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thay mặt Ủy ban Quản lý thiên tai Trung ương, ông Sonexay Siphandone chỉ đạo Chính quyền các thôn bản, huyện, tỉnh Attapeu và các bên liên quan, kể cả nhà thầu thi công cần quan tâm hơn nữa, phối hợp cùng nhau giải quyết những vấn đề còn tồn tại để đảm bảo tiến độ xây dựng đạt đúng kế hoạch đã đề ra.
Nhân dịp này, Đoàn làm việc cũng đã đến thăm Dự án xây dựng, cải tạo thủy lợi Houysanong, dự án thủy lợi đập tràn Xepian, cụm thôn bản Thae, huyện Sanamxay, và thăm công trình xây dựng Tượng đài vua Xayasetthathirat tại huyện Xaysetha, tỉnh Attapeu.
Ngày 23/7/2018 được xem là thời điểm khởi đầu chuỗi thời gian tồi tệ nhất của người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu khi đập phụ D của dự án thủy điện Xepien-Xenamnoy sụp đổ, kéo theo hàng tỷ mét khối nước xuống hạ nguồn, giết chết 71 người, làm ảnh hưởng đến tổng cộng 13.067 người tại 13 bản thuộc huyện Sanamxay, hơn 7.000 người trong số này đã phải di dời đến các khu tái định cư.
Theo chính quyền Attapeu, tổng giá trị đền bù thiệt hại được công bố chính thức là hơn 828 tỷ Kip.
Dã có tổng cộng 54 quốc gia, vùng lãnh thổ, Liên hợp quốc và 12 tổ chức thành viên, 28 tổ chức liên Chính phủ, 38 tổ chức phi Chính phủ, các quỹ hỗ trợ của Lào kiều trên toàn thế giới… đã có các viện trợ tích cực về người và của cho quá trình cứu trợ người dân vùng thảm họa vỡ đập kinh hoàng tại Lào với tổng giá trị 228 tỷ Kíp, góp phần đáng kể vào ngân sách của Chính phủ nước này, dự kiến phải tốn đến 500 triệu USD mới có thể phục hồi lại thiệt hại mà thảm họa đã gây ra.
Tổng hợp