Trước sự không chắc chắn về thị trường du lịch quốc tế, ngành du lịch Lào đang chuyển hướng bước vào trạng thái “bình thường mới” bằng cách đa dạng hóa giá tour và phòng lưu trú nhằm thu hút lượng du khách nội địa.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế quốc gia, đại dịch Covid-19 xảy ra trên thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến các động lực chính của nền kinh tế Lào bao gồm du lịch, thương mại, đầu tư… Trong đó, ngành du lịch đã mất hơn 450.000 USD doanh thu chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020.
Giai đoạn đầu năm 2020 được xem là thời điểm tồi tệ nhất đối với ngành du lịch Lào khi các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú, vận tải và các dịch vụ phụ cận đều gặp khó khăn do lượng khách quốc tế, kéo theo nguồn doanh thu sụt giảm mạnh. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất để phục hồi ngành sau đại dịch Covid-19 ở Lào đang là thúc đẩy người dân tăng cường du lịch.
Theo Giám đốc Exotissimo Travel, một trong các doanh nghiệp lữ hành nổi tiếng của Lào, bà Duangmala Phommavong cho biết tác động của Covid-19 là hết sức nặng nề, khiến doanh nghiệp phải cắt giảm 50% nhân viên và chỉ có thể quay lại làm việc sau khi đại dịch được kiểm soát. Hiện tại, các tour nội địa trọn gói đang được quảng bá để thu hút sự quan tâm của người Lào là cách mà công ty này đối phó với sự đình trệ của thị trường du lịch.
Bà Duangmala cho biết nhiều khách sạn đang áp dụng mức giá phòng ưu đãi, doanh nghiệp cũng sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ tiện tích khác để thu hút du khách.
Hiện tại, Hãng hàng không Lào, Lao Airlines cũng đang duy trì các chặng bay nội địa giá ưu đãi để kích cầu di chuyển và du lịch của người Lào.
Trên thực tế, ngoài các vùng trọng điểm như Luang Prabang, Vang Vieng, Vientiane, những địa phương khác của Lào vẫn có không khí du lịch hết sức ảm đạm, mặc dù Chính phủ đã ban hành biện pháp nới lỏng, dừng cách ly xã hội kể từ đầu tháng 5.
Theo đó, các doanh nghiệp trong nước được phép hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo thực hiện biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.
Tuy nhiên, tại tỉnh Xieng Khuang, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang tiếp tục “bất động” do không tự tin về tiềm năng của thị trường khi lượng du khách thực tế là không đáng kể, đồng thời diễn biến của dịch bệnh là chưa rõ ràng. Thông tin của Hiệp hội du lịch Xieng Khuang cũng cho biết các doanh nghiệp lo ngại sẽ phải gánh chi phí hoạt động mà không cải thiện được nguồn thu nếu mở cửa trở lại trong thời điểm này.
Các doanh nghiệp hiện vẫn đang chờ đợi quyết định mang tính bước ngoặt của Chính phủ, giảm thêm các lệnh hạn chế và đặc biệt là khai thông cửa khẩu biên giới, điều này mới có thể kích thích mạnh mẽ sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Lào. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán việc này chỉ có thể xảy gia vào khoảng tháng 10, 11 tới.
Là địa phương được đưa vào danh sách phát triển du lịch trọng điểm khi Cánh Đồng chum vừa trở thành di sản thế giới do UNESCO công nhận, đồng thời, còn sở hữu nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh hấp dẫn, kết hợp với việc là một trong các cửa ngõ lưu thông hàng hóa, du khách quan trọng ở miền Bắc Lào với Việt Nam, Xieng Khuang được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển du lịch trong tương lai.
Tổng hợp