Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) vừa tổ chức sự kiện ra mắt lộ trình tài chính toàn diện Lào giai đoạn 2018-2025, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Theo đó, buổi lễ diễn ra tại thủ đô Vientiane tuần trước, do Phó Thống đốc BOL, ông Phoutthaxay Sivilay chủ trì cùng với sự tham dự của Đại biện Australia tại Lào, bà Jane Chandler, Giám đốc Chương trình Toàn cầu của Quỹ Phát triển vốn Liên hợp quốc (UNCFD), ông Kameshnee Naidoo, cùng đại diện các ban ngành, đối tác phát triển và bên liên quan có đóng góp vào việc xây dựng lộ trình tài chính toàn diện tại Lào.
Thông cáo báo chí cho biết mục đích chính của sự kiện nhằm phổ biến và tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khuôn khổ lộ trình tài chính toàn diện của Lào.
Theo đó, BOL nhấn mạnh tài chính là phương tiện để tạo ra việc làm, cho phép con người tham gia vào nền kinh tế số ngày càng phát triển và hỗ trợ xử lý các rủi ro, bên cạnh việc cải thiện năng suất, thu nhập và quyền lợi có liên quan. Từ đó, BOL đã phối hợp với các bên liên quan cùng đối tác để xây dựng nội dung lộ trình tài chính toàn diện Lào giai đoạn 2018-2025, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy khả năng tiếp cận của người dân Lào đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính trong nước theo hướng bền vững.
Trước đó, vào cuối năm 2014, BOL cùng với Cục Thống kê Lào đã tiến hành đánh giá tình hình tài chính trong nước thông qua quá trình khảo sát Tạo khả năng tiếp cận (MAP), được thực hiện trong khuôn khổ dự án MAFIPP, từ đó đưa ra các yếu tố trụ cột trong việc xây dựng lộ trình tài chính toàn diện bao gồm (1) Cải thiện tính sẵn có và tính bền vững của lĩnh vực tín dụng; (2) Thúc đẩy quyền và lợi ích người tiêu dùng; (3) Tăng cường quỹ tài chính cấp bản theo hướng bền vững và phù hợp với người dân nông thôn; (4) Cải thiện hệ thống sinh thái thanh toán; và (5) Mở rộng phạm vi tiếp cận của các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.
Theo các quan chức tài chính, để đạt được các ưu tiên nê trên, việc giải quyết các vấn đề có liên quan cần dựa trên nguyên tắc tổng thể để hệ thống đảm bảo tính bền vững, môi trường thanh toán thuận tiện và khả năng tiếp cận tài chính dễ dàng, tập trung ở vùng nông thôn, khu vực tư nhân, bên cạnh việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế để tạo ra nhu cầu tài chính.
Tổng hợp