Trong phiên họp ngày 26/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Lào khóa IX, đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Cơ quan Thanh tra Nhà nước và Cơ quan Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp, ông Leeber Leeboupao, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào bày tỏ chúc mừng về những kết quả đạt được trên nhiều mặt của hai cơ quan trên thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh vẫn còn nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi hai cơ quan tiếp tục giải quyết hoàn thành đúng mục tiêu và phù hợp với quy chế nguyên tắc.
Ông Leeber Leeboupao đề nghị Cơ quan Thanh tra Nhà nước tiếp tục hoàn thiện, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, như tăng cường thực hiện Luật Thanh tra Nhà nước; ông cho rằng việc thực hiện Điều 28 về việc xem xét kết quả thanh tra, Điều 29 quy định việc giải quyết kết quả thanh tra và Điều 30 về giám sát, thúc đẩy, thanh tra việc giải quyết kết quả thanh tra chưa thật sự hiệu quả; việc chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý mục tiêu được thanh tra và các bộ phận liên quan để phân tích chi tiết kết quả thanh tra nhằm đánh giá vấn đề nào có thể giải quyết được, vấn đề nào không thể giải quyết và vấn đề nào không đi theo tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết của Quốc hội sau đó báo cáo Quốc hội xem xét vẫn chưa hiệu quả, chưa đạt tiến độ.
Đối với Cơ quan Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện, quan tâm hơn nữa đến việc thi hành Luật Kiểm toán nhà nước. Ông cho rằng, việc thực hiện nội dung quy định tại Điều 40 về giải quyết kết quả kiểm toán, Điều 71 về nhiệm vụ, nghĩa vụ của đối tượng được kiểm toán, và một số điều khác chưa nghiêm túc, hiệu quả như mong muốn; tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội như kiểm kê thu, chi năm 2023 còn dưới 30,20%, sửa đổi một số văn bản pháp lý trong lĩnh vực tài chính ngân sách chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa tăng cường phối hợp để cùng nhau hoàn thiện và giải quyết tốt hơn; việc xây dựng một số điều của luật thành văn bản pháp lý dưới luật, như Điều 76 về đối tác kiểm toán để trở thành công cụ hỗ trợ và căn cứ trong thực hiện công tác chưa được thực hiện theo kế hoạch; việc xử lý các vướng mắc trong việc vay vốn, viện trợ không hoàn lại, doanh nghiệp đầu tư nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước đạt tiến độ chậm.
Về phương hướng kế hoạch thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Cơ quan Thanh tra Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại đạt tiến độ tốt hơn; cơ quan quản lý mục tiêu thanh tra, kiểm toán cần tiếp tục chủ động phối hợp và hợp tác với Cơ quan Thanh tra, Cơ quan Kiểm toán để phân tích và tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm toán, đánh giá xem có bao nhiêu vấn đề đã được xử lý, còn tồn đọng bao nhiêu vấn đề, đồng thời phân loại mức độ quan trọng trong việc giải quyết kết quả thanh tra, như ở mức nào thì thuộc trách nhiệm của Quốc hội, mức nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ, ngành hoặc Hội đồng Nhân dân địa phương, Chính quyền địa phương để giải quyết hiệu quả hơn, xác định vấn đề nào cần giải quyết trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để Quốc hội xem xét quyết định.
Tổng hợp