LTS: Nhà xuất bản Thông tấn vừa xuất bản tác phẩm “ Vững bền hơn núi, hơn sông” của nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp, nguyên Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Viêng Chăn
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Quốc khánh CHDCND Lào ( 2-12-1975 – 2-12-2020) và kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước CHDCND Lào, Tạp chí Lào Việt, trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
Năm tôi nhập học Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Khâm vừa ra trường. Tuy chưa một lần hội ngộ, nhưng tôi phục anh, vì anh vừa cho ra lò tiểu thuyết Bên kia biên giới (1958) và Trước giờ nổ súng (1960). Đọc hai thiên tiểu thuyết nức tiếng văn đàn bấy giờ tôi thêm hiểu về đất nước Lào tươi đẹp, trân quý những người bạn ở bên kia biên giới “ tối lửa tắt đèn có nhau” và luôn sát cánh chống kẻ thù chung.
Tốt nghiệp ra trường, tôi học khóa phóng viên cấp tốc để chi viện cho “Khúc ruột miền Trung” đang bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt. Đang đam mê săn tin ảnh về sản xuất và sẵn sàng chiến đấu tại tuyến lửa Khu IV, tôi được lãnh đạo cơ quan gọi về Hà Nội nhận quyết định đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Cơ duyên xếp đặt, cuộc đời tôi gắn bó với cán bộ, nhân dân Lào anh em tình nghĩa từ đây.
Đại bản doanh cựu chuyên gia VNTTX giúp Lào đóng tại Phu Khe – Sầm Nưa. “ Nhà hang đốt củi thay đèn / Cơm vui cá mắm, trà quen lá rừng” (thơ của cố Giang Đức Tuệ). Tôi cùng đồng nghiệp KPL khoác ba lô tư trang, đi theo đường mòn trong rừng đến các trận địa phòng không, đến xưởng máy, bệnh viện đặt trong hang đá, đến những bản ở Mương Xôi cấy vụ lúa chiếm bội thu để viết tin, chụp ảnh. Sau đó tôi được điều về tỉnh Khăm Muộn (Trung Lào) giúp xây dựng tổ phóng viên. Để có thông tin kịp thời, tôi và một điện báo viên chuyển đến ở cạnh hang Ban tuyên huấn tỉnh ủy. Máy phát tin 15 wat của tổ thông tấn đặt trong hang sâu. Dây anten mắc trên ngọn cây. Hằng ngày liên hệ, truyền tin với Tổng xã ở Phu Khe. Phát hiện có tiếng moorce từ cửa hang thông tấn, máy bay Mỹ căn tọa độ, bắn rocket, trút bom bi. Lợn, gà thả dông ngoài cửa hang chết mất xác. Nhiều phen, bom bi tử cửa hang lăn xuống nơi chúng tôi làm việc. Những năm giúp bạn tại Khăm Muộn, tôi được tham gia chiến dịch 972, quét sạch các đồn bốt địch từ thị xã Thà Khẹc dọc đường lớn 13 đến tận Xê Nô. Được cùng đội vũ trang tuyên truyền Lào đi cắm cờ Pathêt Lào dọc sông Mê Công, khẳng định vùng này đã giải phóng và thuộc quyền quản lý của Neo Lào Hắc Xạt…
Sau Hiệp định Viêng Chăn năm 1973 tôi trở về cơ quan, làm việc tại Phòng C, biên tập tin phổ biến về Lào. Năm 1990, tôi được cơ quan cử sang Lào làm Trưởng Phân xã TTXVN tại Viêng Chăn. Cuộc đời tôi thêm gắn bó với các đồng nghiệp Lào, với đất nước Lào tươi đẹp và mến khách.
Bìa sách “Vững bền hơn núi hơn sông”
Tôi tham gia Chi Hội hữu nghị Việt – Lào gồm cựu chuyên gia giúp Lào các ngành tuyên huấn, văn hóa, giáo dục, thông tấn xã (gọi là Chi Hội Tuyên Văn Giáo Huấn – TVGH). Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của hội viên Chi Hội là viết hồi ký nói về những kỷ niệm sâu sắc trong những năm giúp Bạn. Tôi được giao nhiệm vụ biên tập chính các bài viết và lo việc in ấn sách tại các nhà xuất bản. Chi hội TVGH xuất bản được bốn tập hồi ký, nội dung phong phú, trình bày đẹp, được hội viên và bạn đọc hoan nghênh.
Là thành viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, tôi có nhiều dịp dự các hoạt động hữu nghị hai nước do Trung ương Hội tổ chức: giao lưu với các đoàn đại biểu nhân dân Lào sang thăm Việt Nam; thi tìm hiểu “Việt – Lào trong trái tim tôi” và các cuộc hành hương thăm lại chiến trường xưa. Tổ chức cho cựu chuyên gia TTXVN thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xiêng Vang, tỉnh Khăm Muộn, thăm các di tích lịch sử, văn hóa Lào tại Cánh đồng Chum, Luổng Phạbang, Hủa Phăn. Thăm các khu di tích tại Đá Bàn, Làng Ngòi (Tuyên Quang), Lao Khô, xã Phiêng Khoải, huyện Yên Châu (Sơn La)… những địa danh lịch sử, cách mạng thắm tình nghĩa Việt Nam – Lào. Đối với tôi, đây là giai đoạn quan trọng, cơ hội vàng để nâng tầm hiểu biết đa chiều về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Dòng chảy lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào thường được trình bày theo dòng chảy thời gian. Sách Vững bền hơn núi, hơn sông tôi muốn trình bày theo những lát cắt ngang. Những câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước sáng mãi trong lịch sử cách mạng của hai dân tộc được nêu làm chủ đề, có dẫn dụ sự kiện và tư liệu lịch sử, ghi rõ xuất xứ để minh chứng. Những lát cắt ngang còn được bổ trợ thêm những kỷ niệm, những câu chuyện sinh động, rất có ý nghĩa mà tôi biết.
Bác Hồ và đồng chí Cayxỏn Phômvihản
Viết “Vững bền hơn núi, hơn sông”, tôi muốn bạn đọc hiểu thêm vì sao quan hệ Việt – Lào lại đặc biệt đến thế. Xâu chuỗi lại tất cả những sự kiện, những câu chuyện có thật xảy ra từ thực tiễn của mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu sống chết có nhau giữa hai dân tộc, càng thấy rõ cái đặc biệt của mối quan hệ Việt – Lào mà không ở đâu và chưa khi nào, giữa hai nước láng giếng lại có được mối quan hệ đặc biệt thủy chung, mẫu mực và trong sáng như mối quan hệ Việt – Lào.
Những câu chuyện có thật, rất đời thường, xuất phát từ thực tiễn của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt – Lào, mà nhân vật chính là những người dân, những “mảnh ghép” làm sáng bừng bức tranh hữu nghị đặc biệt Việt – Lào. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, một bản người Lào cho một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam đang truy kích địch trong hoàn cảnh hết sạch lương thực, lại cạn đường tiếp tế. Dân bản Lào cho vay thóc, gạo, lợn, gà, trâu, bò… với những giấy biên nhận viết tay “ người vay là bộ đội Cụ Hồ” không tính toán thiệt hơn. Chuyện một người phụ nữ Lào đang nuôi con nhỏ đã đồng ý cho sữa của mình cứu một thương binh quân tình nguyện đang trong tình trạng không thể ăn cơm hay cháo. Rồi chuyện hai chiến sĩ – một là quân tình nguyện Việt Nam, một là cán bộ vũ trang Pathết Lào – kết nghĩa với nhau, thề sống chết có nhau và nguyện nuôi con cho nhau, nếu chẳng may một người hy sinh. Người cán bộ Pathết Lào hy sinh. Người cán bộ quân tình nguyện Việt Nam đưa toàn bộ 6 đứa con nhỏ của người bạn Lào về Hà Nội để vợ ông nuôi cùng 6 đứa con đẻ của họ giữa thời bao cấp và chiến tranh khốn khó, cho đến khi trưởng thành, học hết đại học, rồi về Lào mà sau này, một trong những người con ấy, giữ trọng trách là lãnh đạo cao cấp ở Lào, vẫn quan tâm chăm lo cho người mẹ nuôi Việt Nam, như mẹ đẻ của mình… Những câu chuyện sâu nặng tình người được thử thách bằng cái sống và cái chết trong cuộc chiến đấu của hai dân tộc cùng chung chiến hào – cũng là những nét hết sức đặt biệt của mối quan hệ Việt – Lào.
Lễ khánh thành khu di tích Lào Khô
Sợi chỉ xuyên suốt “Vững bền hơn núi, hơn sông” là chủ đề cốt lõi của tác phẩm này, ca ngợi mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt giữa hai nước anh em Việt – Lào trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung, cùng vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cùng chung mục đích dân giàu, nước mạnh, mà mối quan hệ ấy, trải qua những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, nơi sự sống và cái chết trở thành thước đo mực thước của mỗi tấm lòng luôn sáng ngời đạo lý “vì nhau”, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông, để các thế hệ hôm nay và mai sau luôn tự hào và có trách nhiệm tiếp tục giữ gìn, vun đắp và bảo vệ như bảo vệ con ngươi của mắt mình, mặc cho tình hình khu vực và thế giới có thể có diễn biến phức tạp, khôn lường./.
Cựu chuyên gia Nguyễn Thế Nghiệp
Nguyên Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Viêng Chăn