Tờ The Star của Malaysia đưa tin cho biết, khoảng 700 công dân Malaysia được cho là đã mắc bẫy sang Lào kiếm việc làm lương cao, sau đó bị mắc kẹt tại Lào không thể về nước. Mới đây, các nhà hoạt động dân sự Malaysia đã tổ chức tập trung trước đại sứ quán Lào tại Malaysia, nhằm kêu gọi chính phủ Lào khẩn cấp giải cứu những người nói trên.
Một số người Malaysia được giải cứu trước đó đã lên tiếng về những thử thách đau đớn về thể chất và tinh thần mà họ phải chịu đựng khi bị mắc kẹt tại Lào, từ việc bị cưỡng bức tham gia hoạt động lừa đảo người khác, đến việc bị ép làm gái mại dâm. Người thân của nạn nhân và các nhà hoạt động ngày càng lo trước việc các băng tội phạm lừa đảo vẫn chưa bị pháp luật sờ tới, trong khi việc đào thoát của các nạn nhân là rất khó khăn khi các nhóm tội phạm thường treo thưởng rất lớn cho những trường hợp bắt được người trốn thoát.
“Băng nhóm lừa đảo còn liên hệ đòi gia đình các nạn nhân cung cấp khoản tiền chuộc từ 50.000 đến 100.000 RM (10.000 – 20.000 USD)… Một số nạn nhân bị bán từ nhóm này sang nhóm khác, từ công ty này sang công ty khác, thậm chí bị buôn bán qua lại giữa các nước khác nhau.
Tổng thư ký Tổ chức Nhân đạo Quốc tế Malaysia (MHO) ông Datuk Hishammuddin Hishammuddin cho biết: “Nạn nhân đã trình báo cảnh sát Lào do bị đối xử vô nhân đạo. Thật không may, việc thiếu hành động, hoặc hành động thiếu hiệu quả của nhà chức trách đã khiến nạn nhân tiếp tục bị mắc kẹt ở Lào.
Tuần này, Hishammuddin, cùng với Chủ tịch Trung tâm Chăm sóc tội phạm cộng đồng Malaysia, và gia đình của những người Malaysia mắc kẹt tại Lào, đã đến tụ tập trước cổng Đại sứ quán Lào tại Kuala Lumpur, đồng thời gửi đơn kêu gọi chính phủ Lào giải cứu và hồi hương những người Malaysia bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, việc chờ đợi hàng tiếng đồng hồ không có kết quả, phía Đại sứ quán Lào không có động thái ghi nhận phản ảnh, những email do Hishammuddin gửi đén Đại sứ quán từ tuần trước cũng không được hồi âm.
Theo ông, chính phủ Campuchia đã tích cực giải cứu nạn nhân của những tội ác như vậy trong biên giới của mình, trong khi nạn nhân của các tổ chức lừa đảo hoạt động ở Lào và Myanmar hiện vẫn nhận được rất ít trợ giúp.
Như đã đưa tin, thời gian gần đây truyền thông và dư luận thế giới liên tục phản ánh những vụ việc công dân nước ngoài bị lừa đảo sang Lào làm việc với mức lương cao, sau đó bị mắc kẹt rơi vào tay các băng nhóm tội phạm quốc tế trú chân tại Lào, bị cưỡng bức làm trong các sòng bạc, phải bán dâm, làm công việc lừa đảo khác. Chính phủ một số nước cũng đã ra thông báo cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác tránh trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người đang nhức nhối ở một số nước có vốn có nhiều hoạt động đầu tư của Trung Quốc.
Tổng hợp