Ngày 9/4, Tại hội trường Bộ Tư pháp Lào, Trung tâm giải quyết tranh chấp kinh tế Bộ Tư pháp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ pháp luật Trung – Lào tổ chức “Hội thảo góp ý xây dựng Luật giải quyết tranh chấp kinh tế Lào bản sửa đổi”.
Tham dự hội thảo có Giám đốc Duangmany Laomao, các Phó giám đốc, cán bộ,nhân viên Trung tâm giải quyết tranh chấp kinh tế Lào, cùng với đại diện của hơn 50 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Lào.
Tại buổi hội thảo phía Trung tâm giải quyết tranh chấp kinh tế, Bộ Tư pháp Lào đã có nhiều bài trình bày về chủ đề “Nguyên tắc soạn thảo hợp đồng và thỏa thuận giải quyết tranh chấp kinh tế”, “Ký hợp đồng bảo hộ lợi ích đầu tư”, “Làm thế nào để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế theo đúng pháp luật: Hòa giải hay trọng tài”. Hội thảo cũng tiến hành giao lưu, trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia pháp luật với các nhà đầu tư về chủ đề đầu tư tại Lào làm thế nào để phòng ngừa và xử lý hiệu quả tranh chấp.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Lào, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Việt Nam, theo đó các vụ tranh chấp kinh tế phát sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh là khó tránh khỏi, và thường trở lên rất phức tạp do có sự khác biệt nhất định giữa quy định, tập quán luật pháp Lào và Việt Nam.
Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp, cá tổ chức tập hợp doanh nghiệp của Việt Nam tại Lào bên cạnh việc tìm hiểu nắm bắt, tuân thủ pháp luật Lào, cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các quy định pháp luật của Lào, để tạo ra lợi thế ngay từ đầu cho mình, đặc biệt là với những luật có ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có Luật giải quyết tranh chấp kinh tế, tránh đừng để bị động, rơi vào thế “lâm trận mới đi mài kiếm”./.