Tiếp tục đóng góp vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Kế hoạch ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Lào khóa IX, phiên họp ngày 20/11. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và hoạt động đầu tư của các dự án.
Đại biểu Ketmani Bandasak (nữ) thuộc khu vực bầu cử số 1 thủ đô Viêng Chăn đã đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh: Vừa qua, hoạt động khai thác khoáng sản trong địa bàn thủ đô Viêng Chăn có đà tăng trưởng mạnh. Tại kỳ họp của Hội đồng Nhân dân thủ đô Viêng Chăn lần thứ 6, có ý kiến không nhất trí tiếp tục hoặc mở rộng khai thác khoáng sản ở địa phương, nhưng thực tế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn tiếp tục gia tăng. Đây là vấn đề mà các đại biểu quan tâm, theo dõi, đặc biệt là hoạt động khai thác muối Kali ở huyện Pak Nguem rất nguy hiểm do cần khoan ở độ sâu 600m gây thiệt hại lâu dài vì khu vực khai thác nằm cạnh bờ sông Nam Ngeum và Mekong, nếu tiếp tục khai thác liên tục, trong tương lai sẽ gây ra hiện tượng lở đất, xói mòn, gây thiệt hại to lớn không thể đánh giá được. Do vậy, đề nghị các bên liên quan tổng hợp lại hoạt động khai thác trong địa phận thủ đô để xem có bao nhiêu huyện, bao nhiêu dự án nhằm định hướng cho các đại biểu quốc hội giám sát, kiểm tra, xem xét dự án nào đạt tiêu chuẩn, dự án nào không đạt tiêu chuẩn.
Đối với vấn đề giáo dục: Đại biểu cho rằng chất lượng giáo dục gần đây chưa tốt xuất phát từ nhiều yếu tố, như chất lượng giảng dạy chưa hiệu quả, học sinh không nhiệt tình học tập, phụ huynh chưa quan tâm đến việc học hành của con cái, môi trường xã hội cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá về chất lượng giáo dục. Đối với khu vực thủ đô Viêng Chăn, chất lượng giáo dục ở khu vực thành thị và nông thôn khá chênh lệch, ở khu vực nông thôn đang trong tình trạng thiếu giáo viên, một giáo viên phải phụ trách nhiều môn học khiến chất lượng giảng dạy không cao, bên cạnh đó học sinh theo học cũng ở mức thấp. Vấn đề này, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Thể thao cần quan tâm thêm đến công tác giáo dục ở khu vực vùng sâu vùng xa để học sinh có thể nhận được sự khích lệ và chính sách khuyến khích học tập nhiều hơn.
Đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện được nhiệm vụ này còn phụ thuộc vào tiềm lực ngân sách sẵn có của Chính phủ, nhưng Chính phủ cũng cần phải nghiêm túc quan tâm để tạo ra những thay đổi tích cực, lâu dài trong hệ thống giáo dục.
Tổng hợp