Một bài xã luận trên báo Lao Phattana vừa nêu ra tình trạng vi phạm hợp đồng cấp phép khai khoáng của nhà đầu tư gây ra tác động đến dân cư và làm tổn hại lợi ích quốc gia.
Theo đó, bài viết cho biết ngành khai thác khoáng ản có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Lào, tuy nhiên trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức vi phạm hợp đồng đã được cấp phép, các nhà đầu tư khai khoáng tại Lào đang làm tổn hại lợi ích đất nước và việc này nên sớm được giải quyết và phòng ngừa.
Bài viết dẫn số liệu thống kê cho biết đầu tư khai khoáng là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Xuất khẩu khoáng sản của Lào năm 2022 tạo ra nguồn thu 804 triệu USD, dẫn đầu trong các ngành tạo ra thu nhập hàng đầu cho đất nước trong những năm qua.
Với tiềm năng to lớn, Chính phủ Lào đã cấp phép cho nhà đầu tư và các nhà phát triển khai thác khoáng sản để tạo ra nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế, với kỳ vọng ngành khai khoáng trở thành lĩnh vực mũi nhọn, góp phần giúp xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù nguồn thu từ hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu các loại quặng như vàng, đồng… là khá đáng kể nhưng trên thực tế, việc triển khai, quản lý, giám sát khai thác khoáng sản ở Lào còn nhiều vấn đề, ngay từ giai đoạn thiết lập báo cáo tác động kinh tế-môi trường xã hội, tình trạng vi phạm hợp đồng của nhà đầu tư như khai thác ngoài phạm vi cấp phép, khai thác không đúng kế hoạch ban đầu, sang nhượng dự án… đã làm xói mòn các giá trị lợi ích chung trong dài hạn.
Đơn cử, gần đây cư dân một số địa phương ở miền Nam Lào phản ánh tình trạng một số dự án khai khoáng đã triển khai vượt phạm vi được cấp phép, phản ánh kẽ hở lớn (thất thoát?), là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngành kinh doanh quặng đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không làm giàu đất nước, vì ngân sách chỉ thu được một phần nhỏ trong tổng số sản lượng khai thác thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khai thác khoáng sản không được triển khai theo hợp đồng được cấp phép gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, gây ra thiệt hại lớn cho quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ Lào ra lệnh ngừng cấp phép khai khoáng từ năm 2012 và mới nối lại giai đoạn 2016-2017. Tuy nhiên, tình trạng không tuân thủ hợp đồng tiếp tục tái diễn ở một số dự án thí điểm khai thác và xuất khẩu quặng sắt được Chính phủ phê duyệt (theo chủ trương cải thiện nguồn thu để giải quyết khó khăn tài chính).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là do sự thiếu sát sao trong giám sát, thiếu nghiêm khắc trong triển khai quy định pháp luật và vấn đề minh bạch của nhà phát triển cũng như một bộ phận cán bộ chức năng liên quan, những người tìm kiếm ích cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Theo bài viết, từ những bài học thực tiễn, ngành Năng lượng và Mỏ nên xem xét và rà soát kỹ lưỡng, có trách nhiệm cao đối với lợi ích quốc gia bởi tài nguyên khoáng sản đã khai thác là không thể phục hồi, bất chấp việc Lào là quốc gia giàu tiềm năng với hơn 570 điểm quặng, đất hiễm đã được xác định trên diện tích 162.104 km2, tương đương 68.46% diễn tích cả nước.
Bài biết kêu gọi các nhà đầu tư khoáng sản cần tăng cường cẩn trọng hơn nữa bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt việc triển khai đúng dự án và có trách nhiệm xã hội-môi trường cao độ để xứng đáng với tư cách “nhà phát triển”. Trong khi đó, các nhà chức trách cũng cần tăng cường trách nhiệm giám sát, kiểm tra, báo cáo dự án và có chế tài kịp thời đối với những vi phạm hợp đồng, thông đồng tư lợi cá nhân, xử phạt thậm chí đình chỉ dự án bị phát hiện có sai phạm, góp phần giúp ngành khai khoáng phát triển bền vững và tạo ra nguồn thu lớn cho quốc gia, và tạo kết quả thực chất trong xóa đói giảm nghèo./.