Bộ Công thương đề xuất, sau năm 2025, giá trần mua dự án thuỷ điện là 6,78 cent/kWh, giảm từ mức 6,95 cent/kWh hiện hành. Còn điện gió là 6,4 cent/kWh, giảm từ 6,95 cent/kWh.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn về việc thúc đẩy các nhiệm vụ hợp tác với Lào.
Giá mua điện áp dụng trong 25 năm
Liên quan đến khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025, trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công thương đề xuất, giá trần mua dự án thủy điện là 6,78 cent/kWh, giảm từ mức 6,95 cent/kWh hiện hành. Còn điện gió là 6,4 cent/kWh, giảm từ 6,95 cent/kWh.
Giá điện này áp dụng đối với nhà máy điện vận hành từ ngày 31/12/2025 trở về sau và trong 25 năm vòng đời dự án.
Về thẩm quyền quyết định khung giá này, bộ này cho hay, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang giao “Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phê duyệt khung giá điện nhập khẩu theo thẩm quyền (không trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ), có cân nhắc đến quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, bảo đảm lợi ích của ta và các quy định pháp luật liên quan”.
Tuy nhiên, hiện Luật Điện lực không quy định thẩm quyền phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ nước ngoài; chỉ quy định Bộ Công thương có thẩm quyền phê duyệt khung giá điện trong nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành nguyên tắc lập khung giá nhập khẩu điện trước năm 2025 và giá điện nhập khẩu từ Lào áp dụng cho các nhà máy điện than, thủy điện vận hành trước 31/12/2025.
Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định, ban hành khung giá cho loại hình nhà máy thủy điện và điện gió nhập khẩu từ Lào về Việt Nam sau năm 2025.
Dự án điện gió trong nước đủ hồ sơ pháp lý luôn sẵn sàng huy động
Việc nhập khẩu điện gió từ Lào, theo EVN, là thực hiện đúng định hướng nhập khẩu điện được ký kết tại biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. Quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu đến năm 2020 khoảng 1.000 MW, đến năm 2025 khoảng 3.000 MW và đến năm 2030 khoảng 5.000 MW.
Mức giá đưa ra đảm bảo các yếu tố ngoại giao, đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích nhập khẩu điện năng, thực hiện các mục tiêu hợp tác giữa hai Chính phủ…
Dù có nhiều lợi thế để xem xét tăng mua điện gió từ Lào, song điều này khiến dư luận băn khoăn khi 85 dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp có tổng công suất gần 4.700 MW vẫn trầy trật đàm phán giá chính thức để phát điện hơn 1 năm nay.
Đại diện EVN cho biết, các dự án điện gió ở Việt Nam vẫn sẵn sàng được huy động phát điện nếu dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.
Tất cả dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc. Trong khi, nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết.
Theo EVN, dự án mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc thông qua kết nối từ Lào về huyện Đô Lương (Nghệ An).
Theo Baogiaothong