Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy Việt Nam – Lào sẽ được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác, thông thương giữa hai nước và mở đường cho hàng hóa của bạn thông qua các cảng biển Việt Nam xuất khẩu đi các nước…
Nhằm triển khai Bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công chính và Vận tải Lào thực hiện nhiều hoạt động hợp tác song phương lĩnh vực đường thủy.
Hai bên thống nhất cần thiết xây dựng và ký kết thỏa thuận về hợp tác toàn diện lĩnh vực giao thông đường thủy, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu trong bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai bên.
HỢP TÁC TOÀN DIỆN TRONG GIAO THÔNG VẬN TẢI THUỶ
Bộ Giao thông vận tải cho biết đến nay, hai bên hoàn tất thủ tục nội bộ và ủy quyền cho Cục trưởng Cục Đường thủy hai nước thay mặt Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công chính và Vận tải Lào ký văn kiện nêu trên, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào diễn ra trong tháng 1/2023 tại Lào.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Ngoại giao (Vụ Luật pháp & Điều ước quốc tế) – Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Vụ Kinh tế đối ngoại) xem xét bổ sung việc ký kết thỏa thuận này vào lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước nhân chuyến thăm Lào. Đồng thời, cho phép Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham dự để thay mặt Bộ Giao thông vận tải ký thỏa thuận nêu trên với đại diện của phía Lào.
Mục đích của thỏa thuận là nhằm kế thừa và tiếp nối thỏa thuận ký giữa Bộ Giao thông vận tải (Việt Nam) và Bộ Công chính và Vận tải (Lào) về kế hoạch 5 năm (2016-2020), xây dựng hợp tác toàn diện giữa hai bên trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy trong giai đoạn 2022-2027.
Theo đó, “hai bên nhất trí hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy bao gồm trao đổi chuyên môn, kiến thức, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý khai thác cảng, bến, logistics và các nội dung liên quan khác; tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu qua hệ thống các cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam”, phạm vi của thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy Việt Nam – Lào.
Thời gian qua, hai bên đã ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực giao thông vận tải.
Để hàng hóa, dịch vụ của Lào có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Canada, Úc … và đa dạng hóa đối tác, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam.
Theo đó, các cảng biển Việt Nam nằm trên những trục chính kết nối Việt Nam – Lào như Vũng Áng, Tiên Sa, Cửa Lò cũng được đầu tư và dành cho bạn Lào ưu tiên trong sử dụng, giúp hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu thuận lợi.
5 NỘI DUNG HỢP TÁC CỤ THỂ
Thoả thuận này cũng nêu rõ 5 nội dung hợp tác giữa hai bên. Một là, hỗ trợ Lào hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách trong giao thông vận tải đường thủy; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường thuỷ.
Hai là, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho nhân sự phía Lào về giao thông vận tải đường thủy bao gồm các khóa học dài hạn nâng cao, các khóa tập huấn ngắn và trung hạn cho nhân sự phía Lào trong phạm vi hợp tác.
Ba là, tổ chức các chương trình trao đổi chuyên môn kiến thức kinh nghiệm về vận tải, quản lý và khai thác cảng, công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải đường thủy, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy và nâng cao logistics và các nội dung liên quan khác.
Bốn là, triển khai thực hiện các thủ tục công nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ người lái phương tiện thủy.
Năm là, tổ chức nghiên cứu, đưa ra các đề xuất và tổ chức thực hiện để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào xuất nhập khẩu qua hệ thống các cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam.
Về hình thức hợp tác, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ hai Bên thúc đẩy hợp tác thông qua các hình thức như: tiếp xúc, tham vấn trực tiếp; cung cấp thông tin, chuyển giao tài liệu kỹ thuật; trao đổi đoàn nghiên cứu, phái cử chuyên gia kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn và dài hạn cán bộ quản lý và kỹ thuật theo đề xuất của mỗi bên; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, khai thác đường thủy; và các hoạt động hợp tác khác do hai Bên thỏa thuận.
“Định kỳ hàng năm hai bên tổ chức họp luân phiên để cùng nhau rà soát, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Thoả thuận cũng nêu rõ giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Vận tải thủy Lào là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác triển khai thực hiện của hai bên, thường xuyên trao đổi thông tin, đôn đốc, báo cáo kịp thời việc triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận.
Các chi phí cần thiết cho các hoạt động hợp tác cụ thể sẽ được hai bên thống nhất trên cơ sở tham vấn và thỏa thuận bình đẳng lẫn nhau.
Theo VnEconomy