Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Lào đã tổ chức Diễn đàn trao đổi ý kiến về việc tổ chức triển khai các văn bản pháp lý trong công tác quản lý ngoại tệ tại Lào (sử dụng ngoại tệ và mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Lào). Trong đó, diễn đàn đã tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến về hai văn bản luật gồm Dự thảo Quyết định về việc sử dụng ngoại tệ tại Lào và dự thảo Quyết định về việc quản lý tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Lào.
Hai văn bản luật này sẽ là công cụ pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Lào và các bộ phận liên quan áp dụng vào công tác quản lý việc sử dụng ngoại tệ và mở tài khoản tiền gửi bằng đồng ngoại tệ tại Lào; tạo sự thống nhất, trật tự đối với việc tổ chức thực hiện của các bộ phận liên quan từ trung ương đến địa phương; nhằm thúc đẩy, khuyến khích thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa các nước để làm cho ngoại tệ từ các nguồn thu đổ vào Ngân hàng Nhà nước Lào nhiều hơn. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước Lào là mong muốn tất cả các bộ phận sử dụng đồng Kip một cách thống nhất, sử dụng đồng ngoại tệ có trật tự, đúng mục đích và mục tiêu, tiết kiệm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào Soulivan Souvannachumkham cho biết: Trong suốt chặng đường phát triển vừa qua, Lào đã nỗ lực phát triển kinh tế và đạt được sự tăng trưởng liên tục, đặc biệt là kể từ những năm 1980 nền kinh tế Lào bước vào giai đoạn đổi mới, Lào phát triển chính sách mở rộng và hội nhập với khu vực và quốc tế, kinh tế – tài chính có sự tăng trưởng, xã hội sử dụng tiền mặt để phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó đồng Kip và ngoại tệ cũng được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong toàn xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quản lý ngoại tệ chưa được chú trọng và triển khai chặt chẽ, đồng ngoại tệ sử dụng tự do trong thời gian dài dẫn đến xã hội quen với việc sử dụng đồng ngoại tệ và sử dụng không đúng mục tiêu. Do vậy, để quản lý phù hợp đồng ngoại tệ, từ năm 1990, Lào đã ban hành sử dụng các văn bản pháp lý để làm căn cứ cho công tác quản lý ngoại tệ, trong đó Nghị định về quản lý lưu thông ngoại tệ và các vật có giá trị được nâng lên thành sắc luật trong năm 2002, trở thành Luật năm 2014 và sửa đổi năm 2022 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và quản lý ngoại tệ trong thời kỳ mới.
Mặc dù có cơ sở pháp lý và quy chế liên quan để làm căn cứ tổ chức thực hiện, Ngân hàng Nhà nước Lào cũng đã tích cực, nỗ lực trong việc khuyến khích sử dụng đồng Kip trong toàn hệ thống kinh tế, nhưng việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật liên quan chưa thật sự nghiêm túc, ý thức của xã hội không cao, nên mức độ lưu thông của đồng ngoại tệ ở ngoài xã hội vẫn cao hơn so với đồng Kip; nhiều người có ngoại tệ muốn chuyển đổi sang tiền Kip nhưng không muốn bán cho ngân hàng, một phần cũng do nhu cầu giữ ngoại tệ để thanh toán trong nước Lào. Đồng thời, xã hội Lào cũng đã quen với việc sử dụng ngoại tệ từ lâu, phần lớn hàng hóa của Lào đến từ nhập khẩu nước ngoài và cấu trúc giá hàng hóa và dịch vụ được xác định bằng ngoại tệ, do đó xã hội có nhu cầu sử dụng ngoại tệ ngày càng cao.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, cũng như Chính phủ Lào chỉ đạo về việc sử dụng ngoại tệ và mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Lào là cơ hội tốt để triển khai quản lý việc sử dụng ngoại tệ và mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Lào có phạm vi rõ ràng hơn để khuyến khích xã hội sử dụng đồng Kip mạnh mẽ hơn. Ngân hàng Nhà nước Lào đã được giao quyền áp dụng các cơ sở pháp lý quan trọng như Luật Quản lý ngoại tệ (sửa đổi) số 15/QH, ban hành ngày 07/07/2022 và Chỉ thị về tổ chức thực hiện quản lý ngoại tệ số 10/TTg, ngày 14/07/2023 để đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc sử dụng ngoại tệ tại Lào, trong đó được áp dụng cho các khu kinh tế chuyên biệt, khu thương mại biên giới, cửa hàng miễn thuế, bao gồm cả việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ; Ngân hàng Nhà nước Lào cũng đã hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử trong nước bằng ngoại tệ có phạm vi rõ ràng, có cơ chế chứng nhận giao dịch đúng theo mục đích thanh toán thực tế để làm cho việc sử dụng ngoại tệ trở nên hợp pháp và đúng quy định.
Tổng hợp