Trong chương trình Kỳ họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội Lào khóa IX ngày 27/6/2024, dưới sự chủ trì của Trung tướng Souvone Leuangbounmee, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bà Suansavanh Viyaketh, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch đã trình bày dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.
Theo đó, Bộ trưởng đã chỉ ra lý do và sự cần thiết phải sửa đổi luật trên; đồng thời cho biết dự thảo Luật Du lịch sửa đổi mới sẽ gồm 12 Phần, giống với Luật Du lịch cũ năm 2013; cấu trúc của chương có tất cả 22 Chương, tăng 2 Chương so với năm 2013; cấu trúc điều gồm có 130 Điều, tăng 27 Điều so với năm 2013. Sau đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung cho ý kiến dự thảo luật sao cho các nội dung được hoàn chỉnh, chặt chẽ, có định hướng, phù hợp với tình hình hiện nay.
Bà Suansavanh Viyaketh cho biết thêm, do tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở Lào, cũng như khu vực và thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là về thông tin, công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động trực tiếp đến hệ thống cơ chế, điều kiện, thủ tục thực hiện, trong đó có hoạt động xúc tiến phát triển du lịch chưa phù hợp với điều kiện thay đổi của thị trường du lịch, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và chưa phù hợp với pháp luật của các ngành liên quan đã được ban hành trong giai đoạn mới, như Luật Khuyến khích đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Môi trường và các văn bản pháp luật khác theo pháp luật của ngành liên quan. Trong tình hình thực tế hiện nay, ngành du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần phải cải thiện cùng với các ngành liên quan như giao thông vận tải, công nghệ truyền thông, môi trường, an ninh, công thương và các ngành khác. Vì một số lý do và sự cần thiết như nêu ở trên, nhận thấy Luật Du lịch 2013 cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và phù hợp với pháp luật của các ngành liên quan. Ngược lại, nếu luật này không được sửa đổi để phù hợp với điều kiện, tình hình mới đang xảy ra hiện nay và tương lai sẽ làm cho ngành du lịch ở Lào thiếu linh hoạt và mất đi các cơ hội như hợp tác du lịch với nước ngoài, thương mại, đầu tư, du lịch, tạo việc làm, phát triển, khuyến khích và quản lý du lịch.
Sau khi luật trên được thông qua và ban hành sử dụng sẽ là công cụ, cơ sở pháp lý để tổ chức, hoạt động của công tác du lịch được hiện đại, quản lý nhà nước – quản lý xã hội linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển, quản lý, xúc tiến các hoạt động du lịch bao gồm giải quyết các vấn đề khác nhau một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và minh bạch hơn; các hoạt động công tác du lịch ở cấp trung ương và địa phương, giữa chính quyền và khu vực doanh nghiệp được thống nhất rõ ràng trong triển khai thực hiện.
Tổng hợp