Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới, trong khi an ninh lương thực ở Lào đã được cải thiện, tuy nhiên lạm phát cao và thu nhập trì trệ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, khiến lao động Lào ra nước ngoài tìm kiếm việc làm ngày càng tăng.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới được thực hiện từ tháng 5/2024 đến tháng 6/2024, cho thấy còn chưa đến 1% số người được hỏi có việc làm ổn định và hầu như họ thất nghiệp, từ tháng 1 đến tháng 5, mức lương trung bình chỉ tăng 8%, chậm hơn lạm phát, trong khi lạm phát của Lào vẫn xoay quanh mức 26%. Kết quả là nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát, đã tăng từ 53% trong tháng 1 lên 58% trong tháng 6.
Ngân hàng Thế giới cho biết, lạm phát dai dẳng là yếu tố quan trọng đằng sau sự gia tăng di cư lao động từ Lào, với số lượng lao động Lào ở Thái Lan hiện đã vượt quá thời kỳ trước dịch Covid-19. Cuộc khảo sát cho thấy, 93% lao động di cư nước ngoài cho rằng mức lương và cơ hội việc làm tốt hơn là lý do chính khiến họ rời Lào trong năm 2024, tăng nhiều hơn con số 73% trong năm 2023. Trong nước, lạm phát cao, đồng tiền mất giá và mức tăng tiền lương chậm đang thúc đẩy người lao động chuyển sang các công việc được trả lương cao hơn, xu hướng chuyển từ dịch vụ sang nông nghiệp và sản xuất hoặc tự kinh doanh. Đồng thời, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
Báo cáo chỉ ra rằng, cách ứng phó với giá lương thực thực phẩm tăng cao của người dân là tự sản xuất thực phẩm cung cấp cho gia đình, các gia đình ngày càng ít phụ thuộc vào thịt và giảm tiêu thụ thịt, cá, điều này gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em. Ông Alex Kremer, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Lào cho biết, khoảng 63% hộ gia đình có thu nhập thấp đã giảm tiêu thụ thực phẩm và hầu hết các gia đình đều đang cắt giảm tiêu thụ thịt và cá, điều này có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng trẻ em trên cả nước Lào.
Mặc dù thói quen ăn uống của hộ gia đình đã được điều chỉnh, nhưng gần 1/3 số hộ gia đình vẫn không được đảm bảo an ninh lương thực và mối lo ngại về an ninh lương thực vẫn tăng lên so với những năm trước. Ngoài ra, lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến các chi tiêu thiết yếu, với 31% hộ gia đình cắt giảm chi tiêu cho giáo dục và 34% cắt giảm chi tiêu cho y tế. Trong số các gia đình có thu nhập thấp, 11% trẻ em trong độ tuổi đi học phải nghỉ học. Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Thống kê Quốc gia Lào, lạm phát trong tháng 7 ở mức 2,2% và 1,1% trong tháng 8, trong khi con số so với cùng kỳ năm trước là 26,10% trong tháng 7/20243 và tháng 8 là 24,3%.
Tổng hợp