Nền kinh tế Lào đối mặt với một loạt các thách thức từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng trong năm 2020 bao gồm tình trạng hạn hán kéo dài, sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus corona (covid-19) và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thời báo Vientiane mới đây dẫn báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào cho thấy hạn hán từ năm 2019 kéo dài có nguy cơ tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời mực nước các hồ chứa thủy điện xuống thấp cũng gây ra lo ngại thiếu điện cho đến giữa năm 2020.
Ngoài ra, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm phải virus corona nhưng đại dịch bùng phát từ Trung Quốc đang gây thiệt hại mạnh cho lĩnh vực dịch vụ trong khu vực, bao gồm cả Lào. Việc chính phủ Trung Quốc cấm các hoạt động đưa công dân ra khỏi đất nước khiến Lào ước tính thiệt hại khoảng 20-25 triệu USD và sẽ còn tăng lên nếu khách nước ngoài bỏ ý định đến Lào do lo ngại vấn đề dịch.
Ngoài ra, các chỉ số thương mại giữa Lào và đối tác quốc tế đang cho thấy sự biến động do ảnh hưởng từ sự chậm lại của kinh tế khu vực và thế giới do căng thẳng thương mại Trung-Mỹ và vấn đề mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran, theo Vientiane Times, ngành may mặc, cà phê và đồ điện của Lào đang là các nhóm hàng hóa trực tiếp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức nói trên, nền kinh tế Lào dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng ổn định, ít nhất đạt 6% hoặc có thể lên đến 6.3-6.4% do ngành sản xuất điện sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ do có sự tham gia của dự án thủy điện mới Xayaboury.
Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư tín dụng trong nước cũng được dự báo tăng trưởng ổn định, đặc biệt là đối với nhóm SMEs, khách sạn, nhà hàng, nông nghiệp và kinh doanh hàng hóa. Lĩnh vực hạ tầng và nông nghiệp cũng sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu không gặp phải thiên tai. Đồng thời, chính phủ vẫn cần duy trì những hành động mạnh mẽ để giải quyết các trở ngại cho sự phát triển và thúc đẩy các ngành nhiều tiềm năng như nông nghiệp và du lịch theo hướng thương mại hóa và hội nhập hóa.
Mặt khác, chính phủ Lào cũng cần tập trung cải cách ngành giáo dục; củng cố tiêu chuẩn nguồn nhân lực để tăng cường số lượng lao động tay nghề cao; áp dụng công nghệ vào các ngành sản xuất; nâng cấp năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo VTT