Báo chí Lào vừa đưa ra nhận định về khả năng các chính sách được áp dụng đối với nước này khi ông Joe Biden tiếp quản nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.
Ông Biden được truyền thông Mỹ công bố là người chiến thắng trong cuộc đua tranh cử Tổng thống thứ 46 hôm 7/11. Trong bài phát biểu sau đó, ông này tuyên bố sẽ thúc đẩy thịnh vượng và đưa nước Mỹ trở lại vị thế dẫn đầu thế giới, đồng thời khả năng sẽ chấm dứt chính sách ngoại giao “gây cô lập” của chính quyền Trump, khôi phục lại quan hệ bình thường với châu Á, trong đó có Lào.
Trong bối cảnh quan hệ khu vực đang trong tình hình ảm đạm, Lào và Mỹ sẽ cố gắng duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, được công bố trong chuyến thăm hồi năm 2016 của ông Obama đến Lào, theo Laotiane Times.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Bounnhang Volachith tại phủ Chủ tịch hồi tháng 9/2016, thời điểm Tổng thống Mỹ có chuyến thăm chính thức đến Lào.
Ở khuôn khổ quốc tế, năm 2020, Mỹ cam kết sẽ cung cấp 153.6 triệu USD cho các chương trình hợp tác với khu vực Mekong, bao gồm hoạt động phòng chống tội phạm, chia sẻ dữ liệu và cứu trợ khẩn cấp.
Các nhà quan sát nhận định sự quan tâm mở rộng hợp tác với các nước Mekong của Mỹ nhằm “cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc”, phù hợp với chính sách xoay trục sang châu Á của đảng Dân chủ Mỹ.
Ở phương diện song phương, Mỹ vẫn đang tiếp tục giúp Lào rà phá bom mìn chưa nổ (UXO), các nhận định cho rằng chính quyền Biden có thể tài trợ nhiều hơn để nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn tàn dư chiến tranh ở Lào. Ở chiều ngược lại, chính phủ Lào cũng đang hỗ trợ Mỹ quy tập hài cốt quân nhân thời chiến.
Năm 2016, phu nhân ông Biden, bà Jill Biden, một người ủng hộ phát triển giáo dục và vấn đề phụ nữ đã đến thăm Lào, đồng thời đưa ra đánh giá cao về quan hệ song phương Lào-Mỹ.
Bà Jill Biden trong chuyến thăm Lào
Tháng 2/2016, Mỹ và Lào cũng đạt được thỏa thuận và ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, giải quyết các vấn đề và cải thiện lĩnh vực thương mại song phương.
Sự xuất hiện của Coca-Cola ở Lào năm 2015 đã mở đường cho nhiều doanh nghiệp Mỹ tham gia thị trường Lào thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu như Ford, John Deere, Texas Chicken, Swensen’s, Dairy Queen và Mister Donut.
Gần đây nhất, hãng cà phê nổi tiếng Starbucks và chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cũng tuyên bố chuẩn bị đặt các cửa hàng đầu tiên tại Lào.
Trong bối cảnh chính quyền Trump và Trung Quốc có quan điểm trái ngược ở khu vực Mekong, thời kỳ của ông Biden được cho là sẽ ôn hòa hơn với Trung Quốc để tạo điều kiện thúc đẩy các chương trình nghị sự toàn cầu của nước này.
“Chúng tôi không muốn chọn phe, xung đột lợi ích Mỹ-Trung không đem lại bất cứ lợi ích nào cho khu vực Mekong”, Giám đốc Chiến lược và Đối tác của Ủy hội Mekong, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun nói.
Ở khía cạnh ngoại giao, quan hệ Lào-Mỹ thời gian gần đây đang bị cản trở bởi việc chính quyền Mỹ tuyên bố ngừng cấp một số loại thị thực cho công dân Lào kể từ tháng 4 năm nay.
“Lào từ chối hoặc trì hoãn vô lý việc tiếp nhận công dân nước này bị Mỹ trục xuất”, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Lào hồi tháng 6.
Ngay sau đó, chính phủ Lào tuyên bố quan ngại về hành động “đơn phương và mang tính áp đặt” này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác Lào-Mỹ đang ghi nhận sự phát triển tích cực.
Các nhận định cho rằng chính quyền mới của ông Biden có thể dỡ bỏ quy định này, tiếp tục cho phép công dân Lào được xin thị thực để nhập cảnh vào Mỹ, với mục đích thăm viếng hoặc du lịch.
Tổng hợp