Ngày 7/2/2020, Bộ Công thương Lào ra thông báo 0147 quy định nghiêm cấm việc thao túng làm giá mặt hàng khẩu trang y tế, trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Nội dung thông báo nói trên của Bộ Công thương đã quy định về khung giá bán mặt hàng khẩu trang, nếu phát hiện trường hợp vi phạm bán khẩu trang với giá cao hơn quy định sẽ bị xử phạt tại chỗ, cụ thể: Lần thứ nhất, sẽ bị lập biên bản cảnh cáo đồng thời bị phạt tiền 1 triệu kíp; lần thứ hai bị lập biên bản cảnh cáo và phạt tiền 2 triệu kíp; lần thứ ba sẽ bị sẽ bị phạt tiền 3 triệu kíp đồng thời bị tước vĩnh viễn giấy phép kinh doanh và giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau khi bị tước giấy phép kinh doanh và giấy phép đăng ký doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm, hoặc có ý định tái phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Luật Hình sự 2017, cụ thể như: Trường hợp người lợi dụng việc xảy ra thiên tai nặng nề như hạn hán, lũ lụt…để thao túng giá hàng hóa, bán hàng hóa với giá cao, tùy tình tiết sẽ bị phạt tù 6 tháng đến 2 năm, bị phạt tiền cao nhất đến 10 triệu kíp.
Điều 287, Luật Hình sự Lào năm 2017 quy định, doanh nghiệp hoặc cửa hàng thao túng giá hàng hóa, mưu lợi cá nhân, gây khó khăn cho đời sống người dân sẽ bị phạt tù 1 đến 4 năm và bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu kíp.
Thông báo trên của Bộ Công thương được ban hành trong bối cảnh nhiều cửa, thương nhân kinh doanh mặt hàng y tế đã lợi dụng tâm lý lo lắng về dịch viêm phổi Corona để đẩy giá bán khẩu trang lên cao một cách phi lý. Từ giá thông thường 16.000 kíp cho một hộp 50 chiếc khẩu trang 3 lớp lên thành 40.000 kíp, 50.000 kíp, 75.000 kíp. .. thậm chí là 125.000 kíp mà vẫn không thể mua được.
Hiện tại, Lào vẫn chưa thể tự sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế, thời gian gần đây do lo lắng về nạn ô nhiễm không khí bụi mịn PM2.5, Nhà máy dược phẩm số 03, Bộ Y tế Lào đã lên kế hoạch để trở thành đơn vị sản xuất khẩu trang y tế đầu tiên tại Lào, tuy nhiên kế hoạch trên vẫn chưa được thực hiện. Lào vẫn dựa chính vào nhập khẩu mặt hàng mặt khẩu trang y tế từ hai nước Việt Nam, Thái Lan. Tuy nhiên, từ ngày 4/2/2020, Thái Lan đã ban hành lệnh quản lý đặc biệt hạn chế việc mua và xuất khẩu mặt hàng này, theo đó nếu khách hàng muốn mua, mang ra khỏi Thái Lan từ 500 chiếc tương đương với 10 hộp khẩu trang y tế thì phải xin giấy phép từ cơ quan chủ quản. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã chính thức liệt mặt hàng này vào diện quản lý đặc biệt, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Việt Nam hiện tại có 38 nhà máy, mỗi ngày sản xuất ra 1.245.000 chiếc khẩu trang 3 lớp, 2 nhà máy sản xuất khẩu trang N95 sản lượng hàng ngày là 32.000 chiếc, được đánh giá là chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tổng hợp