Trong những năm qua, các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại Nhân dân với những hình thức và nội dung phong phú, đa dạng nhằm thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường sự hợp tác, gắn bó giữa Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
Có thể thấy, Nhân dân tại các huyện, xã, cụm cư dân khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng trong thế trận toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh giữa hai tỉnh Hủa Phăn – Thanh Hóa, UBND các huyện có đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn cùng thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch thực hiện việc kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, phù hợp với hiệp định, quy chế biên giới mà hai nước, hai tỉnh đã ký kết…
Điển hình như huyện Quan Hóa kết nghĩa, trao đổi với huyện Xiềng Khọ và Viêng Xay; huyện Thường Xuân, Lang Chánh hợp tác với huyện Sầm Tớ. Cách thức trao đổi là định kỳ 6 tháng 1 lần, hai bên tổ chức cuộc gặp gỡ tại địa điểm luân phiên. Qua các cuộc trao đổi, hai bên cùng giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan đến đời sống của Nhân dân dọc biên giới; về công tác văn hóa quần chúng; tăng cường tình đoàn kết; chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, phòng cháy chữa cháy rừng; hợp tác bảo vệ biên giới hữu nghị. Hay như mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới tại các cặp bản Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn) với Bản Lơi thuộc cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay; cặp bản Hin, xã Mường Chanh (Mường Lát) với Bản Pó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay; cặp bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn (Mường Lát) với bản Khăm Nàng, cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay…
Cùng với việc kết nghĩa cụm dân cư, hai tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng các công trình hợp tác kinh tế, thương mại, với mục tiêu từng bước đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột quan trọng trong hợp tác bền vững, lâu dài. Điển hình như đầu tháng 11-2020, xã Tam Thanh (Quan Sơn) tổ chức lễ khai trương chợ biên giới. Phiên chợ tại đây được tổ chức vào chủ nhật hàng tuần để Nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn gặp gỡ, trao đổi giao thương hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân hai bên biên giới, qua đó tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Chợ biên giới Tam Thanh được khởi công từ năm 2018 do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có quy mô 1 tầng, diện tích xây dựng 817,2m2 gồm khu ki-ốt, khu vực kinh doanh ngoài trời, bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, bể thu gom nước thải, rác thải và hạ tầng kỹ thuật cấp điện, thoát nước, sân đường nội bộ, cổng tường rào… Tổng mức đầu tư trên 6,5 tỷ đồng.
Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại, Nhân dân hai bên biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế – xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, cùng phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào.
Theo Baothanhhoa