Thiên tai chồng thảm họa trong hai năm liên tiếp khiến huyện Sanamxay gặp khủng hoảng nghiêm trọng và phải mất nhiều năm cùng khoản tài chính khổng lồ để có thể phục hồi.
Ngày 23/7/2018 được xem là thời điểm khởi đầu chuỗi thời gian tồi tệ nhất của người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu khi đập phụ D của dự án thủy điện Xepien-Xenamnoy sụp đổ, kéo theo hàng tỷ mét khối nước xuống hạ nguồn, giết chết 71 người, làm ảnh hưởng đến tổng cộng 13.067 người tại 13 bản thuộc huyện Sanamxay, hơn 7.000 người trong số này đã phải di dời đến các khu tái định cư.
Tiếp đó, khi mới chỉ bắt đầu lại cuộc sống mới, người dân tại Sanamxay nói chung và Attapeu nói riêng tiếp tục trải qua mùa mưa năm 2019 với đợt lũ lụt cục bộ xảy ra tại 6 tỉnh miền Nam Lào, theo thống kê sơ bộ, tỉnh Attapeu ghi nhận mức thiệt hại 82.8 tỷ Kíp về cơ sở hạ tầng, tài sản và mùa màng của người dân.
Tuy nhiên, bằng các nỗ lực cùng nhiều viện trợ quốc tế, Chính phủ Lào đã từng bước phục hồi và hỗ trợ đời sống các nạn nhân trực tiếp của sự cố vỡ đập tại Sanamxay, cụ thể, theo Bộ Ngoại giao Lào, mỗi người trong tổng số 4.607 nạn nhân mất nhà cửa sau thảm họa đã nhận khoản trợ cấp 250.000 kíp/tháng và 20 kg gạo. 3.123 người khác tại 13 bản chịu thiệt hại nhẹ hơn là 18kg gạo/tháng và chính quyền cũng nỗ lực xây dựng lại các khu vực tái định cư để người dân có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Trong báo cáo được công bố mới đây tại cuộc họp đại biểu Đảng bộ huyện Sanamxay lần thứ 12, Bí thư, Huyện trưởng Sanamxay, ông Soulivong Aphaivong cho biết mục tiêu phục hồi đời sống của nạn nhân thảm họa vỡ đập sẽ hoàn thành trong năm 2023.
“Công tác trọng tâm là xây dựng 700 căn nhà mới tại 5 bản, đồng thời kiến nghị hoàn thành việc hỗ trợ đền bù cho những nạn nhân tại các bản bị thiệt hại nặng nhất theo các thỏa thuận đã đạt được giữa các bên”, ông Soulivong cho biết.
Ngoài ra, chính quyền huyện Sanamxay sẽ quy hoạch lại đất xây dựng cho người dân, phục hồi hệ thống thủy lợi, kênh mương để khuyến khích tái sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiếp tục hợp tác thu thập, tổng hợp thông tin cùng nhà phát triển dự án trong việc từng bước hỗ trợ ổn định đời sống địa phương, tất cả sẽ được hoàn thành trong năm 2023.
Vừa qua, Chính phủ Lào cũng thông tin đã đạt được thỏa thuận với nhà phát triển dự án về mức đền bù sau nhiều đợt đàm phán là 273 triệu USD so với mức đề nghị ban đầu là 54 triệu USD.
Theo Huyện trưởng Sanamxay, nạn nhân của thảm họa vỡ đập hiện đang sống tại 5 trung tâm tái định cư tạm thời, chính quyền địa phương cũng đã hoàn thành quy hoạch đất xây dựng tại 4 bản bị thiệt hại, hoàn thành giải phóng mặt bằng canh tác nông nghiệp được khoảng 2.140 ha.
Ngoài ra, huyện Sanamxay đã phục hồi được khoảng 80% đất ruộng cũ cho người dân 6 bản, xử lý mặt bằng bị thiệt hại, sửa chữa đường dẫn nước, kênh mương, duy trì cung cấp viện trợ hàng tháng cho người dân, hoàn thành 111 nhà ở cố định và tiếp tục thi công 700 căn khác trong thời gian tới, hoàn thành hỗ trợ đền bù cho tổng cộng 1.270 hộ gia đình, tổng trị giá trên 28 tỷ LAK.
Theo đó, đã có tổng cộng 54 quốc gia, vùng lãnh thổ, Liên hợp quốc và 12 tổ chức thành viên, 28 tổ chức liên Chính phủ, 38 tổ chức phi Chính phủ, các quỹ hỗ trợ của Lào kiều trên toàn thế giới… đã có các viện trợ tích cực về người và của cho quá trình cứu trợ người dân vùng thảm họa vỡ đập kinh hoàng tại Lào với tổng giá trị 228 tỷ Kíp, góp phần đáng kể vào ngân sách của Chính phủ nước này, dự kiến phải tốn đến 500 triệu USD mới có thể phục hồi lại thiệt hại mà thảm họa đã gây ra.
Tổng hợp