Ban Lãnh đạo Công ty TNHH Cao su Việt – Lào (Công ty) cho biết, qua 15 năm xây dựng và phát triển tại đất bạn Lào, Công ty đã gặt hái được nhiều thành công quan trọng.
Lãnh đạo Công ty TNHH Cao su Việt – Lào phổ biến kỹ thuật cạo mủ cho công nhân.
Với bộ khung có 19 người lúc ban đầu sang Lào mở đất, theo kế hoạch đến năm 2010 mới trồng xong nhưng năm 2008, Công ty đã hoàn thành trồng mới hơn 10 ngàn ha, tỷ lệ cây sống đạt 98% vượt trước kế hoạch 2 năm. Năm 2011 đã đi vào khai thác ở Nông trường Bachiang I. Đến nay, đã có diện tích khai thác ở cả 4 nông trường.
Tính từ năm 2011 khi bắt đầu khai thác mủ, đến năm 2018 đã khai thác bình quân mỗi năm 15 ngàn tấn và đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao, góp phần đáng kể vào kế hoạch sản lượng chung của toàn ngành.
Là đơn vị đầu tiên trong ngành đầu tư ra nước ngoài làm ăn có lãi lớn, đã chia cổ tức 62 tỷ đồng cho cổ đông, Công ty luôn là thành viên câu lạc bộ 2 tấn trong Ngành cao su Việt Nam, đứng đầu trong số 9/12 đơn vị đạt danh hiệu này.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty, chúng tôi đã thực thi Dự án đi đúng hướng, tạo điều kiện cho huyện Bachiang, tỉnh Champasak, từ một huyện nghèo trở thành huyện giàu có trong tỉnh. Doanh thu lợi nhuận hàng năm tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 lãi trên 116 tỷ đồng, đời sống công nhân và người lao động từng bước được nâng cao, bình quân lương đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.
“Trước đây, ở huyện Bachiang đường sá, cầu qua sông, qua suối không có, Công ty một mặt phải đảm bảo tăng sản lượng, một mặt phải trích kinh phí để xây dựng điện, đường, trường, trạm, chợ…cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng phúc lợi cho huyện Bachiang hàng chục tỷ đồng mỗi năm, ông Dũng nhấn mạnh.
Việc phát triển nhanh, ổn định của Công ty góp phần nâng cao đời sống cho công nhân, giúp họ thêm gắn bó với công việc.
Công ty TNHH Cao su Việt – Lào là đơn vị đứng đầu toàn diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục nhiều năm trong các đơn vị của Ngành Cao su Việt Nam hiện đang trồng cao su tại Lào, đảm bảo cho 2.321 lao động là người các Bộ tộc Lào có cuộc sống ngày một đầy đủ, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội huyện Bachiang nói riêng và tỉnh Champasak nói chung.
Bên cạnh đó, Công ty còn triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công cải tiến phương pháp trồng truyền thống trước đây bằng phương pháp trồng Stump trần và stump bầu với quy trình cải tiến mới là trồng ướt (nước).
Phương pháp trồng này đã kiểm soát được tầng kết dính liên hoàn với nước và đất, khắc phục cơ bản về thời tiết khô hạn, lại kiểm soát được kỹ thuật, tạo ra thẩm mỹ cao. Bằng biện pháp này trong cùng một thời gian đã tiêu thụ được số lượng stump lớn và đã trồng được hàng trăm ngàn cây, nếu trồng theo phương pháp truyền thống, số lượng stum kéo dài thời gian, khả năng cây giống sẽ bị hư hỏng.
Việc cải tiến này góp phần tăng năng suất lao động, điều chỉnh mức, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn thời vụ, bảo đảm chất lượng, đạt kết quả kinh tế lớn. Hiệu quả suất đầu tư suất nông nông nghiệp là 68 triệu đồng/ha, thấp nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, so với 75 triệu đồng/ha khi trồng ở khu vực miền Đông, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung cùng thời điểm. Đề xuất này đã rút ngắn thời gian Dự án trồng cao su tại Lào từ 5 năm xuống còn 3 năm đạt chất lượng, làm lợi hàng tỷ đồng…
Theo Daidoanket