Kế hoạch tài chính mới được Chính phủ Lào đề xuất bao gồm việc cam kết đảm bảo mức thâm hụt tài khóa không quá 3% GDP mỗi năm, trong giai đoạn 2021-2025.
Cam kết được Chính phủ Lào đưa ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực giảm thiểu gánh nặng nợ công, căng thẳng ngân sách và tập trung “cải thiện thanh khoản” sau khi chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Phát biểu trước Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy nhận định thâm hụt tài khóa tăng cao là do các khoản vay nước ngoài để thực hiện dự án phát triển.
Vì vậy, để giảm thiểu thâm hụt, chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu công, mặc dù điều này “chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển”.
WB hôm 31/10 cũng đưa ra báo cáo cho thấy giai đoạn 2014-2019, nợ nước ngoài của Lào có xu hướng tăng cao, chiếm khoảng 51.5% GDP, trong đó bao gồm 34.1% GDP là nợ song phương, 8.7% vốn vay đa phương và 8.3% trái phiếu.
Trong khi đó, tổng mức nợ công của Lào năm 2019 là khoảng 58% GDP, tăng nhẹ từ 57.2% so với năm 2018 và có thể giảm xuống dưới 56% trong năm 2021, khi Lào bắt đầu hạn chế các khoản vay mới, ngừng đầu tư vào nhiều dự án sử dụng ngân sách không hiệu quả.
Phó thủ tướng Lào cũng cho biết khả năng thu ngân sách hạn chế đã làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt, khiến Chính phủ phải tìm thêm các kênh huy động vốn mới để cân bằng ngân sách.
Hồi tháng 6, Chính phủ Lào đã nâng dự báo thâm hụt lên 5.8% GDP trong năm 2020 so với mục tiêu 3.77% như trước đó, xuất phát từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Thâm hụt ngân sách 9 tháng đầu năm của Lào ở mức 3.22 nghìn tỷ Kip, nếu tính các khoản nợ cần trả, cả trong và ngoài nước, Lào phải cần thêm ít nhất 5.45 tỷ Kip.
Chính phủ Lào cũng cho biết đã sử dụng 8.88 nghìn tỷ Kip trong các nỗ lực giải quyết tình trạng thâm hụt trong 9 tháng đầu năm 2020.
Chính phủ Lào sẽ cần hơn 20.15 nghìn tỷ Kip để cân bằng các khoản thiếu hụt ngân sách trong năm 2020, trong đó bao gồm 11.54 nghìn tỷ sẽ được vay từ nước ngoài để đầu tư các dự án phát triển cũng như giải quyết thâm hụt, phần 9.12 nghìn tỷ còn lại dự kiến sẽ được huy động từ các nguồn trong nước.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến trong nước cho rằng việc vay thêm tiền để giải quyết thâm hụt là khả thi trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, điều này sẽ khiến đất nước sa vào tình trạng nợ kinh niên. Vì vậy, chính phủ cần có chiến lược quản lý tài khóa và kiểm soát tốt hơn các khoản nợ của mình.
Kinh tế vĩ mô của Lào, vốn dễ tổn thương, đang chịu tình trạng căng thẳng chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này cũng làm gia tăng áp lực trả nợ và khó khăn về tài chính trước đó.
Vì vậy, Chính phủ Lào liên tục được thúc giục hiện đại hóa cách thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu cho các dự án đầu tư công không thiết yếu và không đảm bảo lợi nhuận kinh tế.
Lào hiện còn các tiềm năng đáng kể để hỗ trợ nguồn thu ngân sách là các loại thuế phí từ tài nguyên đất, khu vực dịch vụ, du lịch. Đồng thời chính phủ cũng được khuyến nghị tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và thu hút thêm đầu tư để gia tăng nguồn thu cho đất nước.
Tổng hợp