Chính phủ Lào nhiệm kỳ mới đặt mục tiêu bảo vệ tính cân bằng môi trường tự nhiên và giảm thiểu nguy cơ thiên tai, nâng mức độ che phủ rừng lên hơn 70% tổng diện tích cả nước cho đến năm 2025.
Mục tiêu nâng mức độ che phủ rừng lên 70% được chính phủ Lào đặt ra cho năm 2020 nhưng đã không thể thực hiện được, hiện mới chỉ đạt độ che phủ 62%.
Thông tin được Thủ tướng Khamphan Viphavanh, báo cáo tại Kỳ họp khai mạc Quốc hội Lào khóa 9, đang diễn ra tại thủ đô Vientiane từ ngày 22/3.
Tân thủ tướng Lào cho biết trong giai đoạn 5 năm đã qua, chính phủ Lào đã ban hành và thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 15 về tăng cường quản lý việc khai thác và kinh doanh gỗ, qua đó đạt được một thành quả tương đối; tập trung phục hồi diện tích rừng suy thoái và khuyến khích việc trồng rừng; nâng cấp một số khu bảo tồn tự nhiên lên thành vườn quốc gia, bao gồm Vườn quốc gia Nam Et-Phouleuy ở tỉnh Huaphan, Vườn quốc gia Nakai-Nam Theun và Hin Namno ở tỉnh Khammuan; chú trọng theo dõi, kiểm tra chất lượng nguồn nước ở 10 khu vực ưu tiên, thiết lập trạm quan trắc ở 312 điểm, cải tạo và nâng cấp trung tâm theo dõi địa chấn sẵn có cũng như xây dựng mới thêm hàng chục trung tâm khác. Người đứng đầu chính phủ Lào báo cáo Quốc hội rằng các công tác quản lý và bảo vệ môi trường cũng được thực hiện và cho kết quả tương đối.
Các mục tiêu trong 5 năm tới trong lĩnh vực môi trường của Lào bao gồm đảm bảo quản lý và sử dụng tài nguyên tư nhiên bền vững; thúc đẩy tăng trưởng xanh và giải quyết biến đổi khi hậu ở phạm vi rộng; chuẩn bị cơ sở ứng phó với thiên tai; phấn đấu hoàn thành quy hoạch đất đai cấp địa phương trên toàn quốc cho lộ trình 2030; giảm lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động phá hoại rừng khoảng 30 triệu tấn; xây dựng mới các trung tâm khí tượng và thủy văn; thành lập quỹ quản lý thiên tai trung ương và địa phương trên cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào cũng đặt mục tiêu tăng cường giám sát và thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, tình trạng biến đổi khí hậu để có biện pháp ứng phó kịp thời, bên cạnh việc triển khai các chính sách, quy định pháp lý có liên quan đến bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Chính phủ Lào đã thiết lập kế hoạch chiến lược hành động khí hậu đến năm 2050 nhằm nỗ lực lồng ghép các biện pháp rủi ro thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và phúc lợi con người vào các chiến lược phát triển quốc gia. Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng nhiều loại cây lương thực trở nên ít dinh dưỡng hơn khi được trồng dưới mức CO2 cao dự kiến vào năm 2050, với lượng protein, sắt và kẽm bị giảm ước tính từ 3 đến 17%.
Các chuyên gia môi trường dự đoán rằng biến đổi khí hậu có thể xảy ra với tần suất hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở Lào, với năng suất cây trồng có thể giảm 10% vào năm 2020 và 30% vào năm 2050. Điều này có thể ảnh hưởng thêm đến các biện pháp cải thiện an ninh lương thực mà Lào đang thực hiện.
Tổng hợp