Không phải mọi đầu tư đều hỗ trợ phát triển hoặc góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Nhận thức được điều này, Chính phủ Lào rất coi trọng hoạt động đầu tư có trách nhiệm tại nước này với đóng góp xã hội, không vi phạm quy định về quản lý tài nguyên, không gây thiệt hại cho môi trường, sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Một trong những lĩnh vực mà chính phủ Lào khuyến khích đầu tư có trách nhiệm là nông nghiệp và lâm nghiệp với tiềm năng to lớn được cho là chưa khai thác được hết. Chính phủ Lào cũng coi việc phát triển nông nghiệp và nông thôn là công cụ quan trọng chống lại đói nghèo và phát triển bền vững. Đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp cũng góp phần giảm tác động đến kinh tế-xã hội trước rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19 như hiện tại.
Lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp) là nền tảng chính trong chiến lược phát triển quốc gia Lào bởi nó chiếm đến 70% tổng lực lượng lao động. Nông nghiệp cũng đóng góp 16% vào GDP quốc gia nhưng vẫn được cho là chưa xứng tầm với tiềm năng thực tế khi năng suất sản xuất chưa cao, mức độ cơ giới hóa thấp…đòi hỏi nỗ lực của cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân để khai thác được lợi ích tối đa từ lĩnh vực truyền thống nhất của nền kinh tế.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trước đó là thiên tai bão lũ và hạn hán đã gây ra thách thức to lớn cho an ninh lương thực và dinh dưỡng, sinh về và áp lực tài chính cho người dân Lào. Dịch bệnh Covid-19 cũng được cho là nguyên nhân khiến hơn 214.000 người Lào quay trở lại trạng thái nghèo, đảo ngược các nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ, vì vậy đầu tư có trách nhiệm vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đảm bảo đóng góp xóa nghèo mà còn để giảm thiểu rủi ro làm trì hoãn các mục tiêu tăng trưởng của quốc gia.
Theo FAO