Kinh tế Lào sẽ phục hồi lại mức tăng trưởng ổn định trong tương lai gần, sự đình trệ hiện tại là cần thiết trong bối cảnh Chính phủ Lào đang chèo lái đất nước sang con đường phát triển bền vững, thủ tướng Thongloun Sisulith khẳng định trước Quốc hội.
Cơ cấu kinh tế đang được chuyển đổi, đó là nguyên nhân của sự chững lại của đà tăng trưởng hiện tại, thủ tướng phát biểu.
Hoàn cảnh này sẽ tạo điều kiện cho một nền tảng kinh tế mạnh mẽ và bền vững hơn với việc năng suất sản xuất được nâng cao, đa dạng hóa thu nhập địa phương, ông nói thêm.
Ngoài ra, không thể không kể đến những tác động khách quan của kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng thiên tai từ tình trạng biến đổi khí hậu tại Lào và tình hình xóa đói giảm nghèo chưa mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong năm nay đã làm nền kinh tế quốc gia tăng trưởng chậm lại.
Phiên họp thứ 8 của Quốc hội Lào chính thức diễn ra vào hôm 6/11 với việc giành toàn bộ tuần làm việc đầu tiên để bàn về báo cáo và năng lực của Chính phủ Lào, thông cáo báo chí của Quốc hội cho biết.
Thủ tướng Lào trong bài báo cáo của Chính phủ nước này trước quốc hội cho biết khả năng tăng trưởng của Lào trong năm 2019 khả năng sẽ đạt 6.4%, thấp hơn dự đoán là 6.7%. Mặc dù không đạt được như kỳ vọng, Thủ tướng khẳng định Lào đang phát triển có “chất” hơn khi cải cách thành công nhiều cơ chế, chính sách và duy trì ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, đặc biệt là thành công của các cuộc trấn áp ma túy.
GDP của Lào năm 2019 ước đạt 164.147 tỷ Kíp, bình quân đầu người đạt 2.683 USD, ngành Nông nghiệp dự kiến tăng trưởng 2.8%, Công nghiệp tăng trưởng 7.1% (thấp hơn chỉ tiêu 1.2%), Dịch vụ tăng trưởng 7% (vượt chỉ tiêu 0.4%), lĩnh vực hải quan-thu ngân sách dự kiến cũng ghi nhận mức tăng 7%, đạt chỉ tiêu.
Giảm thâm hụt ngân sách của Lào trong những năm gần đây cũng cải thiện rõ rệt, từ 6% trong năm 2015 xuống 4% vào năm 2018. Trong đó, khả năng thu ngân sách đã tăng lên 26.200 tỷ so với 21.000 tỷ trong năm 2016.
Lào cũng đạt được tiến bộ nhất định trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích SMEs phát triển thông qua các điều chỉnh quy định, cơ chế và xây dựng quỹ SMEs từ nguồn vay vốn và 32 tỷ ngân sách.
Mặt khác, Lào cũng đạt được thỏa thuận mua bán điện với các quốc gia láng giềng và đang xem xét điều chỉnh giá điện trong nước để kích thích sản xuất. Ngoài ra, vấn đề đất đai dân sự, đất tô nhượng cũng đã được quan tâm triệt để hơn, Chính phủ sẽ thực thi các biện pháp khác nhau để thúc đẩy các dự án tô nhượng tăng tốc độ triển khai, ông Thongloun cho biết.
Năm 2020, Lào vẫn sẽ phải vượt qua các thách thức về duy trì ổn định tài chính, tiền tệ, xử lý các rào cản về năng suất và kinh tế, đồng thời vẫn cần tiếp tục thúc đẩy phát triển các dự án hạ tầng quan trọng cũng như ưu tiên ngành mở rộng ngành du lịch và nông nghiệp bền vững cho đến nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Tổng hợp