Cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước theo dạng hợp đồng hoặc tự nguyện sẽ không còn nhiều cơ hội nhận được suất biên chế do chính sách tinh gọn bộ máy của Chính phủ Lào.
Theo nội dung văn bản hướng dẫn mới đây của Bộ Tài chính Lào về việc điều chỉnh cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, hàng loạt cán bộ hợp đồng-tự nguyện đều được khuyến khị nên sớm tìm cơ hội việc làm ở khu vực tư nhân thay vì chờ đợi được biên chế tự động như trước đây.
Nhận thấy lượng lớn nhân sự không cần thiết trong bộ máy hành chính sau các đợt rà soát gần đây, Chính phủ Lào yêu cầu tổ chức tuyển công chức thông qua các kỳ thi sát hạch thay vì duy trì hình thức hợp đồng dài hạn và biên chế như hiên tại.
Năm 2019, hạn ngạch công chức mà Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chỉ có 25 suất, giảm một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, Bộ Tài chính Lào cho biết hiện có đến 1.547 cán bộ hợp đồng hoặc tự nguyện đang làm việc trong ngành dọc này, thậm chí có người đã hợp đồng 10 năm và đang hy vọng được biên chế. Tuy nhiên, Chính quyền Lào chi cho phép công chức bắt đầu được biên chế ở độ tuổi không quá 35, hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ rõ.
Bộ Tài chính là cơ quan nhà nước đi đầu trong việc thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy của Chính phủ Lào. Thông báo mới nhất nói trên thể hiện thái độ nghiêm túc và nhất quán của chính quyền nước này, làm dấy lên lo ngại của hàng chục nghìn cán bộ hợp đồng-tự nguyện về nguy cơ mất việc.
Trước đó, Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Lào ban hành năm 2018 đã yêu cầu hợp nhất và tinh gọn các cơ quan công quyền đang có hoạt động chồng chéo, đồng thời rút gọn số lượng cán bộ dư thừa để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách quốc gia trong bối cảnh Lào đang có đến 184.000 công chức, bằng 2.8% dân số, tỷ lệ quá lớn so với các nước trong khu vực. Năm 2019, Chỉnh phủ Lào chỉ phê duyệt hạn ngạch 1.500 công chức mới, giảm 50% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, cắt giảm hạn ngạch công chức vô hình trung lại gây ra vấn đề khi Bộ Nội vụ Lào cho biết, năm 2018, đã có gần 4.000 cán bộ nghỉ hưu. Bộ này khuyến khị Chính phủ Lào nên ban hành một biện pháp ngăn chặn và xóa bỏ tư tưởng thân hữu trong tuyển dụng để tạo sự công bằng cho người có khả năng thực sự.
Theo KTXH