Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào vừa phát hành sách “Cải cách kinh doanh tại Lào” nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu về việc đăng ký và hoạt động kinh doanh tại Lào.
Động thái phát hành cẩm nang nói trên nằm trong nỗ lực cải thiện xếp hạng của Lào về mức độ thuận lợi kinh doanh theo cách phân loại của Ngân hàng thế giới trong bối cảnh nước này đang đứng ở vị trí 154 trên 190 nền kinh tế vào năm 2019, vị trí này là không được cải thiện so với năm 2018.
Diễn ra mới đây hôm 5/8 tại thủ đô Vientiane, hội thảo về hành đồng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước giai đoạn 2020-2022 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Sonexay Siphandone chủ trì và có sự tham dự của đại diện các đối tác quốc tế cùng ban ngành chức năng có liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Sonexay nhấn mạnh các hành động của chính phủ Lào để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó bao gồm việc ban hành Chỉ thị 02/TTg vào năm 2018, liên quan đến công tác cải thiện quy định và cơ chế điều phối tạo thuận lợi kinh doanh tại Lào.
Tháng 10/2019, Thủ tướng Lào đã ban hành Chỉ thị số 12 về cải thiện hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới, cải thiện vận tải hàng tạm nhập và lĩnh vực thương mại. Hồi đầu năm 2020. Thủ tướng Lào cũng ban hành thêm Chỉ thị 03/TTg vào tháng 1 về cải thiện dịch vụ hành chính đối với hoạt động đầu tư và cấp phép kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, chính phủ Lào đã chỉ đạo phối hợp liên ngành để cải thiện quy định nhằm đạt được 10 tiêu chí EDB về mức độ dễ dàng kinh doanh.
Sách “Cải cách kinh doanh tại Lào” cũng đề cập đến kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2020-2022 nhằm phổ biến cho các cơ quan nhà nước cũng như khu vực tư nhân.
Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức hỗ trợ Lào xuất bản cuốn sách nói trên cũng đã phát biểu tại hội nghị, cho biết đánh giá cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 của Lào, tuy nhiên vẫn để lại các tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Trong báo cáo tháng 4, IMF đánh giá khả năng tăng trưởng của Lào không thể vượt quá 1% trong năm 2020 này, trong tháng 5, WB cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Lào sẽ lên 8% và mức nợ công tăng từ 65-68% GDP.
Trong vài năm qua, Lào luôn coi trong việc cải cách để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, xem đó là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trước khủng hoảng, đồng thời góp phần vào đa dạng hóa và dần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế đất nước, từ phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên sang các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công hơn.
Tổng hợp