Thâm hụt ngân sách tăng cao kéo theo nợ công sẽ gây ra áp lực lên khả năng trả nợ của Lào trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Chính phủ Lào mới đây vừa công bố dự báo thâm hụt ngân sách trong năm 2020 của nước này sẽ tăng lên 10.3 nghìn tỷ Kip, tương đương 5.7% GDP so với dự báo đầu năm là 6.69 nghìn tỷ Kip, khoảng 3.7% GDP.
Phát biểu mới đây, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào Leeber Leebouapao cho biết chính phủ đang tìm cách giải quyết vấn đề nợ công trong bối cảnh thiếu hụt các nguồn thu ngân sách.
Lào đang vay nợ để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng hoặc để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước, ông Leeber cho biết.
Chính phủ Lào có thể áp dụng một số cách để xử lý các khoản nợ, bao gồm việc chuyển hóa thành vốn đầu tư, đàm phán để tái cơ cấu, bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước hoặc tài sản thế chấp để bảo đảm các khoản vay trước đó.
Ngoài ra, chính phủ Lào cũng có thể phát hành trái phiếu để huy động thêm vốn hoặc vay thêm từ các nguồn khác để thanh toán nợ và giải quyết thâm hụt ngân sách, theo ông Leeber.
Tuy nhiên, cách vay thêm tiền được cho là chỉ khả thi trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, sẽ làm gia tăng căng thẳng thâm hụt và dẫn đến tình trạng nợ kinh niên, đòi hỏi chính phủ lào cần có chiến lược quản lý và đảm bảo tình hình tài chính trong khả năng kiểm soát.
Theo báo cáo giám sát kinh tế do WB công bố mới đây cho biết nợ công nước ngoài của Lào có xu hướng tăng, dự kiến ở mức 65-68% GDP trong năm 2020.
Gánh nặng nợ nước ngoài của Lào dự kiến tăng lên hơn 1.2 tỷ USD trong năm 2020, bao gồm cả lãi và gốc. Trong khi con số này của năm 2019 là khoảng 842 triệu USD.
Trong giai đoạn 2020-2023, dự kiến mỗi năm Lào phải trả 1.1 tỷ USD nợ mỗi năm, tương đương 55% khả năng thu ngân sách, theo báo cáo của WB.
Gần đây, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết chính phủ Lào sẽ phát hành trái phiếu trong phần còn lại của năm để hỗ trợ việc thanh toán nợ. Ngoài ra, các khoản nợ doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ được chuyển sang ngân hàng thương mại theo hình thức chuyển đổi công nợ.
Bên cạnh đó, chính phủ Lào sẽ tập trung thu ngân sách và cắt giảm chi ngân sách cho các dự không thiết yếu và không đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, các nhà kinh tế trong nước cũng khuyến nghị chính phủ cần tăng cường hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Tổng hợp