Chính phủ Lào khóa 8 đã đạt được số kết quả khả quan trong việc duy trì nhịp tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cuối năm 2016, dự báo thực trạng kinh tế quốc gia và khu vực, Chính phủ Lào khóa 8 đã đề xuất điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2017-2020 trước đó từ 7.5% xuống 7.2%.
Tuy nhiên, sau nửa nhiệm kỳ, con số tăng trưởng kinh tế bình quân của Lào hiện tại chỉ đạt 6.8%, Nông nghiệp chỉ tăng 2.7%, thấp hơn mục tiêu 3.4%, ngành Công nghiệp tăng trưởng ổn định do khả năng sản xuất điện và giá cả khoáng sản tăng trở lại, đạt mức 10.4%, vượt chỉ tiêu 1.1%. Lĩnh vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng trưởng 5.6%, thấp hơn so với chỉ tiêu 8.1% do ngành du lịch ảm đạm, không đạt được nguồn thu tốt kể từ khi đạt đỉnh năm 2015. Tỷ lệ lạm phát bình quân trong 2 năm 8 tháng ở mức 1.66%.
Khả năng thu ngân sách của Chính phủ Lào đạt 70.746 tỷ kíp, tương đương 16.7% GDP (chỉ tiêu 18.6% GDP), chi ngân sách của Lào ở mức 92.861 tỷ kíp, tương đương 22% GDP (chỉ tiêu 23.3%). Thâm hụt ngân sách bình quân 5.7% (cao hơn chỉ tiêu 4.23%). Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 128.400 tỷ kíp, tương đương 30.4% GDP (vượt chỉ tiêu ban đầu là 29%). Chính phủ Lào thừa nhận do đánh giá sai về tình hình thực tế, các chính sách được ban hành đã không đem lại hiệu quả như kỳ vong, dẫn đến nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đã không đạt được.
Về cơ cấu tổ chức, Chính phủ Lào cho biết đã có những điều chỉnh đáng kể, tinh gon bộ máy, giảm hạn ngạch công chức, giảm các cơ quan có chức năng chồng chéo và nỗ lực cải thiện hiệu quả phối hợp liên ngành.
Chính phủ Lào cũng đã thực hiện các chính sách cần thiết để thu hẹp các kẽ hở làm thất thoát ngân sách, bao gồm việc dừng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với phương tiện, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và các mặt hàng tiêu dùng…
Thông qua Chỉ thị 09/PM, Chính phủ Lào cũng tuyên bố thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu công, đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững cho nền kinh tế thông qua việc tăng cường trấn áp hoạt động chặt và vận chuyển gỗ lậu, cấm xuất khẩu gỗ hộp, hạn chế hạn ngạch xuất khẩu quặng bán thành phẩm, thanh tra và cải tổ lại các doanh nghiệp thua lỗ (trong đó có Điện lực Lào và Hãng hàng không quốc gia Lào), các dự án phát triển năng lượng và mỏ, qua đó tước giấy phép số lượng không nhỏ các dự án hoạt động không hiệu quả hoặc vi phạm nguyên tắc hợp đồng.
Một điểm đáng chú ý khác là Chính phủ Lào quyết tâm củng cố toàn diện hệ thống tài chính-ngân sách, chuyển đổi sang hướng hiện đại hóa, kết nối với hệ thống ngân hàng để tăng hiệu quả thu ngân sách, vốn để xảy ra nhiều sai phạm trong những năm trước đó.
Năm 2018, Chính phủ Lào cũng tuyên bố loại bỏ hoàn toàn các dự án ma, không có thật trong kế hoạch, đồng thời thanh tra toàn diện các dự án đầu tư công, dừng cấp phép mới các dự án để ổn định ngân sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng vẫn phải đối mặt với tình trạng nợ công kinh niên trong nhiều năm, chiếm hơn nửa GDP và hiệu quả chưa cao của việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Bậc xếp hạng EDB của Lào không cải thiện mà còn tụt mạnh trong năm vừa qua, khiến quốc tế và giới đầu tư nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả khi tham gia kinh doanh tại Lào.
Tổng hợp