Lao động nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội của Lào dự kiến sẽ được nhận một khoản trợ cấp trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thông tin được đưa ra cuộc họp của Ủy ban chuyên trách về phòng chống Covid-19 của Lào diễn ra hồi đầu tuần này. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đã trình báo cáo, đề cập đến việc cần thiết phải sớm giải quyết các khó khăn mang tính cấp bách cho lực lượng lao động phổ thông, những người không nằm trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Theo đó, các đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ lao động được đưa ra gồm có cung cấp khoản tiền mặt trị giá 100.000 Kip/người trong giai đoạn 3 tháng, chính sách này tương đương với những gì mà các nạn nhân thảm họa lũ lụt tại Sanamxay, tỉnh Attapeu hồi năm 2018 nhận được. Ngoài ra, một chính sách hỗ trợ khác là phối hợp với chủ các khu trọ, nhà cho thuê giảm giá hoặc giãn thời hạn thu phí đối với lao động phổ thông.
Mục tiêu chính của chính sách hỗ trợ lao động phổ thông của Lào là nhóm lao động làm việc tại những tụ điểm giải trí, quán karaoke, nhà máy may cắt, dịch vụ du lịch và các nhà máy, dự án lớn có nguy cơ cao làm lây lan dịch Covid-19. Ngoài ra, còn có khu vực dịch vụ vận tải công cộng như xe khách, xe tuktuk, xe lam, taxi… cho đến người lao động mùa vụ sinh sống tại các đô thị lớn.
Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội dự kiến sẽ tổ chức xác minh, lập danh sách lao động trước khi áp dụng các chính sách hỗ trợ nói trên.
Chỉ thị 06/TTg của thủ tướng Chính phủ Lào có hiệu lực đến 03/5 đã áp đặt nhiều biện pháp chặt chẽ để phòng ngừa khả năng bùng phát của dịch Covid-19, trong đó có lệnh yêu cầu tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các nhà máy sản xuất, nơi tập trung nhiều công nhân và dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.
Lệnh hạn chế này đã khiến hàng nghìn người lao động tại Lào gặp phải khó khăn, đặc biệt là lao động tự do, nằm ngoài phạm vi của hệ thống an sinh xã hội.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào cho biết có đến 80% lao động không đóng quỹ an sinh xã hội, là nhóm bị tác động mạnh nhất.
Theo số liệu, cả nước Lào có khoảng 269.000 lao động trẻ và 1.185.000 lao động trưởng thành nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội, trong đó có 869.000 người ở các khu vực nông thôn và 584.000 người ở vùng đô thị. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2019 có 213.477 lao động Lào được xác nhận làm việc hợp pháp ở Thái Lan.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhóm lao động nằm trong hệ thống an sinh xã hội của Lào phải nghỉ việc không lương theo quy định tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp không thiết yếu cũng được Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đề xuất mức hỗ trợ 500.000 Kip/tháng trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Theo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, hiện có tổng cộng 116.979 lao động doanh nghiệp nằm trong hệ thống an sinh xã hội, việc áp dụng chính sách hỗ trợ mùa dịch sẽ khiến Lào sử dụng khoảng 48 tỷ Kip ngân sách mỗi tháng.
Tổng hợp