Mặc dù chính phủ Lào đã ra lệnh hạn chế tăng số lượng các đồn điền chuối trong một vài năm trở lại đây, mặt hàng nông sản này vẫn đang nằm trong nhóm dẫn đầu về giá trị xuất khẩu và đóng góp đáng kể cho kinh tế các địa phương.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Lào, giá trị xuất khẩu chuối của nước này trong năm 2019 tăng đáng kể, đạt 198 triệu USD, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan. Vào năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chuối của Lào đạt 167.9 triệu USD nhưng sụt giảm mạnh xuống 112 triệu USD trong năm 2018 và đứng thứ 4 trong nhóm dẫn đầu về nguồn thu cho ngành nông nghiệp, sau bột gỗ-giấy loại, gia súc và sản phẩm cao su. Ngoài ra, Lào cũng có thế mạnh về xuất khẩu sắn, cà phê thô, ngô và gạo.
Nguyên nhân dẫn đến việc giá trị xuất khẩu tăng cao là do hầu hết các đồn điền trên cả nước đều vào thời điểm thu hoạch theo như kế hoạch đầu tư canh tác.
Giai đoạn 2016-2017, đã có tổng cộng 117 công ty đầu tư vào các đồn điền chuối rộng 26.177ha nhưng sau khi các sai phạm liên tục về lạm dụng hóa chất, sai phạm về sử dụng đất, không đăng ký kinh doanh hợp pháp…làm ảnh hưởng môi trường-xã hội đã khiến chính phủ Lào mạnh tay cấm tô nhượng mới và đóng cửa các công ty vi phạm. Kết quả, còn lại 90 công ty trụ lại và đang trồng chuối trên diện tích 20.408ha.
Theo chiến lược phát triển ngành nông nghiệp được chính phủ Lào công bố, chuối vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu cho đến năm 2025 đi kèm với chính sách khuyến khích mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp-người dân nhằm tạo việc làm và thu nhập để cải thiện sinh kế người dân địa phương khi nơi trồng chuối hầu hết là các địa phương nghèo và ở khu vực xa xôi.
Năm 2014, các sai phạm của hoạt động trồng chuối bắt đầu khiến chính phủ chú ý và ban hành quyết định cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện thuê-nhượng đất trồng lúa tại các tỉnh phía Bắc để chuyển sang mục đích trồng chuối.
Năm 2015, chính phủ Lào ban hành thông báo về quy định quản lý việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và hóa chất tại các đồn điền chuối. Một năm sau đó, quyết định mới tiếp tục được đưa ra để giải quyết các vấn đề tác động môi trường của các đồn điền chuối và triển khai thanh tra toàn diện tại các tỉnh phía Bắc bao gồm Phongsaly, LuangNamtha, Bokeo, Oudomxay, Luangprabang và Xayaboury.
Trong thời gian này, người dân lại bày tỏ quan ngại khi cho rằng nhà nước cấm hoàn toàn việc trồng chuối trong khi nó lại nằm trong nhóm các loại cây trongo truyền thống lâu đời và ảnh hưởng đến cả văn hóa cũng như đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế lệnh cấm chỉ áp dụng đối với việc tự ý chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng chuối-vốn thường bị các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý.
Theo đó, các đồn điền chuối phải đứng trước lựa chọn theo đuổi tiêu chuẩn nông nghiệp sạch hoặc bị đình chỉ và nghiêm cấm sử dụng các hóa chất trong danh mục nguy hiểm mà chính phủ Lào ban hành, đặc biệt là paraquat và DDT.
Tổng hợp