Chuyến thăm cấp Nhà nước với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân tại Việt Nam từ ngày 10 – 13/9 khẳng định sự quyết tâm và ưu tiên cao nhất của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Sáng ngày 10/9, dọc đại lộ Hùng Vương dẫn vào Phủ Chủ tịch, đông đảo thiếu niên, học sinh và người dân Thủ đô với khuôn mặt rạng ngời, những bông hoa tươi thắm và cờ tung bay chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân. 21 phát đại bác rền vang, mở đầu chuyến thăm cấp Nhà nước của nhà lãnh đạo nước bạn Lào tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (từ ngày 10 – 13/9) là chuyến thăm thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 1/2021) đến nay, tiếp sau chuyến thăm cấp Nhà nước của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước (tháng 7/2024) và diễn ra ngay sau khi đồng chí Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đoàn kết, sẻ chia là điều thường trực
Chuyến thăm diễn ra khi siêu bão Yagi vẫn đang gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản đối với Việt Nam. Những cái bắt tay thật chặt, những lời chia sẻ từ đáy lòng đồng chí Thongloun Sisoulith gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam trong cả chuyến thăm càng cho thấy một tình cảm Việt – Lào luôn ấm áp trong mọi hoàn cảnh.
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo hai đảng, hai nước dày công vun đắp là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, có ý nghĩa chiến lược đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cho rằng sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử, nguồn sức mạnh to lớn nhất và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai Đảng, hai nước.
Với lòng tin Việt – Lào là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đứng đầu, nhân dân Lào nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu do Đại hội XI đề ra, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng Nhà nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đứng đầu, Việt Nam sẽ thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Thành công của Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên, bài học quý giá đối với Lào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, đồng chí Thongloun Sisoulith nhấn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của hai dân tộc, cùng nhau giữ gìn, bảo vệ và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội… Việt Nam tiếp tục phối hợp và ủng hộ Lào tối đa trong khả năng để Lào đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN
Cùng mạnh, cùng hội nhập
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith có lịch trình tham quan một số cơ sở phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại hiệu quả và thực chất hơn nữa luôn là nỗi niềm đau đáu của các lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng hai nước cần thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hai bên đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước; tiếp tục hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Các yếu tố kết nối kinh tế Việt Nam – Lào và kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, nhất là kết nối thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, du lịch được lãnh đạo hai nước đặc biệt lưu tâm.
Thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào đã góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước. Năm 2023, thương mại song phương đạt 1,63 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 533,5 triệu USD, nhập khẩu 1,1 tỷ USD.
Trong bảy tháng đầu năm 2024, giá trị thương mại hai nước đạt mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước. Quan hệ thương mại có xu hướng tăng trưởng theo từng tháng, từng năm, tiến tới đạt mục tiêu tăng trưởng 10 – 15%/năm theo mục tiêu hai chính phủ đề ra.
Chia sẻ với TG&VN, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Phan Minh Chiến cho rằng, việc ký mới Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào (8/4/2024) và Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào (1/2024) và tới đây khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng – Vientiane cùng các khu kinh tế cửa khẩu được triển khai sẽ là những tiềm năng thúc đẩy kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Mãi nhớ không quên
Sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith gặp gỡ cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, sinh viên Lào đang học tập nghiên cứu ở Việt Nam là điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm.
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cho rằng, sự kiện là dịp để hai nước cùng nhớ về khối đoàn kết đặc biệt Lào – Việt, đồng thời gửi gắm thông điệp rằng trong tình hình khu vực, quốc tế phức tạp, hai nước càng phải tăng cường hợp tác để bảo vệ và phát triển quan hệ liên tục, ổn định; tiếp tục lan tỏa tình đoàn kết, tình cảm đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Nhà ngoại giao Lào khẳng định đó là kho báu chung vô giá của hai nước, là yếu tố bảo đảm cho sự độc lập và phát triển của hai nước nhằm đào tạo một thế hệ thanh niên thừa kế sứ mệnh bảo vệ và phát triển đất nước, cũng như mối quan hệ hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Trên tinh thần giúp bạn là giúp mình, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam anh dũng hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Có thể khẳng định, không nơi nào trên mảnh đất nước Lào không có dấu chân của quân tình nguyện Việt Nam. Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam tỉnh Xiengkhouang là một trong bốn đài tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Lào và Việt Nam đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của hai đất nước.
Chia sẻ với báo chí, Thiếu tướng Sitha Duangmala, Phó Ban công tác đặc biệt Chính phủ Lào cho biết, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào hết sức biết ơn bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sang thực hiện nhiệm vụ tại Lào và hy sinh vì nền độc lập và tự do của hai nước. Từ những năm tháng kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, đã có thêm những biểu tượng mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt – Lào trên đất nước triệu voi.
Suốt chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Phu nhân mang đến sự sẻ chia và lời cầu chúc an lành. Chuyến thăm với tất cả ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện rõ quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển.
Tổng hợp