Đại hội Đảng bộ lần thứ 5 của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch diễn ra ngày 10/12 với khẩu hiệu “Lãnh đạo vững mạnh, quản lý hiệu lực, thông tin hiện đại, văn hóa văn minh, du lịch bền vững” do Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Kikeo Khaykhamphithoun chủ trì. Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou có mặt tham dự cùng 204 đại biểu đại diện cho 849 Đảng viên toàn ngành.
Tại Đại hội, báo cáo kết quả thực hiện công tác ngành trong giai đoạn vừa qua cho thấy lĩnh vực truyền thông, thông tin đại chúng tại Lào có bước mở rộng và phát triển đáng kể cả về chất và lượng, từng bước đưa đất nước hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật hiện đại, mở rộng mạng lưới thông tin internet, chuyển đổi số trên diện rộng cũng như có lần đầu tiên sử dụng vệ tinh vào lĩnh vực truyền hình (LAOSAT).
Về lĩnh vực văn hóa, đến năm 2020, cả nước Lào ghi nhận 77.1% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 77.5% bản văn hóa. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đón tổng cộng 21.769.811 lượt khách quốc tế trong giai đoạn 5 năm qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách đến Lào trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm xuống còn 18% so với mục tiêu đề ra ban đầu, dự kiến xuống thấp hơn 15.61% trong cả năm và giảm đến 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 23 thành viên, và 7 thành viên trong ban Thường vụ, trong đó ông Kikeo Khaykhamphithoun tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư thêm nhiệm kỳ, phó Bí thư là ông Vansy Kuamua.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Lào kêu gọi Đảng bộ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch khóa mới cần tiếp tục nỗ lực phát triển ngành thông tin đại chúng chất lượng, đồng thời tăng cường bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa cũng như du lịch đất nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cũng chỉ ra một số yếu tố văn hóa không lành mạnh đang có ảnh hưởng nhất định đến thế hệ trẻ của Lào và yêu cầu toàn ngành sớm có biện pháp giải quyết, song song với việc phát huy sâu rộng về những nét văn hóa Lào chưa được quảng bá đúng với tiềm năng.
Người đứng đầu Quốc hội Lào cũng yêu cầu toàn ngành tăng cường hoạt động quản lý tốt lĩnh vực thông tin, truyền thông, thúc đẩy phát triển du lịch, một trong các động lực then chốt của nền kinh tế bằng bằng cách tìm kiếm mà phát triển các tiềm năng du lịch tiềm tàng của đất nước, hướng đến khả năng tự chủ về tài chính.
“Các nét văn hóa bản sắc của Lào cần được gìn giữ và phát huy, mà trong đó khèn-được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; Cánh đồng Chum là di sản văn hóa thế giới là các minh chứng rõ nét nhất”, theo bà Pany.
Tổng hợp