Với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt-Lào; với tiềm năng phong phú về đất đai, khoáng sản, du lịch…Lào luôn là mảnh đất được các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được thể hiện tài năng, bản lĩnh kinh doanh,…
Từ Hà Tĩnh, người Việt Nam chỉ mất vài giờ ngồi ô tô theo Quốc lộ 8 là đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Thêm nửa giờ làm thủ tục là có thể đặt chân trên đất Lào. Cầu Treo-Namphao là cặp cửa khẩu quốc tế lớn nhất, sầm uất nhất giữa Việt Nam và Lào, khi số lượng người và phương tiện, hàng hóa qua lại giữa hai nước luôn cao nhất so với các cặp cửa khẩu quốc tế trên bộ khác giữa hai nước. Bởi, không chỉ người Việt Nam, mà với người Lào, đây cũng là tuyến đường ngắn nhất để họ sang Hà Tĩnh, Nghệ An du lịch, tắm biển Cửa Lò và tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.
Dấu chân Phật, rừng, thác và hành trình khám phá Bolikhamxay
Là một tỉnh thuộc Trung Lào, Bolikhamxay cách Vientiane khoảng 150km về phía nam. Từ Vientiane, ô tô chạy chừng 2 giờ là có thể đến thị xã Paksan- thị xã tỉnh lỵ của Bolikhamxay. Trên đường đi, nếu không vội, có thể dừng lại tham quan chùa Phabath (Wat Phabath) ngay bên đường, cách thị xã Paksan khoảng 50 km về phía bắc.
Được xem là một trong những ngôi chùa rất linh thiêng, Wat Phabat là một điểm hành hương không thể bỏ qua của du khách khi đến với Bolikhamxay. Chuyện kể rằng, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân phát hiện ra một dấu chân Phật có kích thước 2,4 x 1,2 mét hằng sâu trên đá và đã xây dựng tại đây một ngôi chùa, lấy tên là Phabath (Dấu chân Phật). Hết năm này qua tháng khác, người hành hương, khách du lịch đã dát những lá giấy vàng lên Phabath, làm cho Dấu chân Phật ngày càng rực rỡ. Rằm tháng giêng hàng năm, nhà chùa đều tổ chức lễ hội để tỏ lòng thành kính với Phabath.
Wat Phabath là quần thể nhiều công trình xây dựng trên một khu đồi cạnh Quốc lộ 13. Những gốc cây cổ thụ còn lại trong khuôn viên chùa cho thấy nơi đây từng là rừng rậm với nhiều cây gỗ lớn và quý hiếm. Những pho tượng trong chùa được đắp bằng đất sét, tạc bằng đá hoặc từ gỗ quý- có lẽ khai thác từ chính khu rừng này.
Tượng phật ở đây đều có một con rồng thiêng màu xanh quấn quanh, biểu hiện sự tôn nghiêm của Phật và ngụ ý mong muốn rằng Đức Phật luôn che chở cho chúng sinh khỏi những tai ương mà thiên nhiên có thể mang lại cho con người.
Người Lào hay khách du lịch trên đường từ phía Bắc xuôi về Nam Lào qua đây, ai cũng dành một chút thời gian vào Wat Phabat để lễ Phật, cúng dường cầu phước. Ai cũng mong được một lần tận mắt nhìn thấy, được chiêm bái “dấu chân” linh thiêng mà Đức Phật đã để lại trên đá, cầu mong cho cuộc hành trình của mình được an toàn, gặp nhiều điều may mắn.
Gần đấy là Wat Phonsane, tọa lạc trên một khuôn viên bên bờ sông Mekong xanh mát. Đây được cho là nơi Đức Phật đã từng dùng bữa trên đường đi hoằng pháp. Ngôi chùa còn được biết đến với Lễ hội huyền thoại Bang Fai Phayanak (Lễ hội pháo), được tổ chức vào giữa tháng 11 Phật lịch, trùng với ngày cuối cùng của lễ hội mãn chay của người Lào.
Bolikhamxay còn được xem là trung tâm của các hoạt động du lịch sinh thái với hai Khu bảo tồn quốc gia và hệ thống đất ngập nước rộng lớn. Du khách có thể khám phá thiên nhiên hoang dã với các thác nước nổi tiếng như Tad Leu, Tad Xay và Tad Xang cùng hệ sinh thái phong phú của Vườn quốc gia Nam Kading có nhiều loài động vật hoang dã như voi, bò tót, hoẵng, vượn, khướu đen…sinh sống.
Một trong những hệ thống đất ngập nước lớn nhất của quốc gia này nằm ở phía tây nam của thị xã Paksan, là nơi có số lượng chim di cư phong phú và độc đáo. Du khách có thể đến vùng đất ngập nước bằng xe máy hoặc ô tô gầm cao trên những con đường mòn. Trên hành trình từ Paksan về cửa khẩu Namphao-Cầu Treo, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh kỳ vĩ của quần thể núi đá vôi Phou Phaman, được trải nghiệm loại hình du lịch đu dây trên đỉnh núi để ngắm rừng nguyên sinh từ trên cao.
Và ước mơ về một Khu kinh tế xuyên biên
Tuy được xem là địa bàn cửa ngõ giao thương với Việt Nam nhưng hiện kinh tế của Bolikhamxay vẫn còn nặng về nông nghiệp khi thu nhập từ ngành này chiếm đến 25% GDP. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm gần 46%, chủ yếu là khai thác khoảng sản, năng lượng, như thạch cao, vàng, thủy điện…
Tiềm năng lớn nhất của Bolikhamxay đến hiện tại vẫn là đất đai, nhưng chưa được khai thác hết, khi dân số của tỉnh chỉ khoảng 300.000 người. Dòng Mekong chảy dọc bờ tây của tỉnh. Mùa mưa, nước dâng cao, gây ngập nhiều đoạn trên quốc lộ 13 xuyên Lào. Nhưng cũng nhờ nó mà đất đai Bolikhamxay được cung cấp một lượng phù sa đáng kể để nhưng cánh đồng lúa, nếp trĩu bông, những triền ngô xanh mướt ven sông và những vựa cá nước ngọt bao đời nuôi sống con người. Đánh cá là một nghề mang lại thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư địa phương. Cá vùng này có thể bán sống, chế biến khô, muối chua, làm mắm như một thứ đặc sản mà ai có dịp ngang qua đây, đều muốn dừng xe ngắm nghía, hoặc mua về làm quà.
Hơn chục năm trước, cây cao su bắt đầu bám được với đất Bolikhamxay. Một số doanh nghiệp từ Việt Nam như Công ty Đức Hiền, Công ty Toàn Thắng đã sang đây thuê đất trồng cao su và hợp tác với người dân địa phương để phát triển mô hình cao su tiểu điền dọc Quốc lộ 13. Đến nay, nhiều diện tích đã bắt đầu cho khai thác.
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cao su bắt đầu cho mủ trong trang trại của gia đình, cách thị xã Paksan vài chục cây số, ông Vilayvanh Phomkhe – nguyên Bộ trưởng Nông Lâm Lào cho rằng, “tuy không có nguồn đất bazan như các tỉnh Nam Lào nhưng nếu chịu khó thâm canh, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây cao su từ năm thứ 7, có thể cho mủ, năng suất bình quân từ 2 đến 2,5 tấn mủ tươi. Với giá bán khoảng 6,3 triệu kip/tấn (tương đương khoảng 16 triệu đồng) thì người trồng cao su cũng sống được, doanh nghiệp chế biến cũng có lãi. Kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, cây nguyên liệu vẫn là thế mạnh của Bolikhamxay trong hiện tại”.
Một tin vui cho vùng đất cửa ngõ này là Dự án cầu Hữu nghị số 5 bắc qua sông Mekong, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ Kíp (tương đương 3000 tỉ VNĐ) đã được chính phủ hai nước Lào – Thái ký thỏa thuận xây dựng. Cây cầu dài 1350m này sẽ nối liền hai tỉnh Bueng Kan (Thái Lan) với tỉnh Bolikhamxay của Lào, là điểm kết nối giao thông quan trọng để tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư giữa 3 nước Lào, Thái Lan và Việt Nam. Từ Thái Lan, hàng hóa sẽ sang Bolikhamxay, vượt quãng đường gần 200 km theo Quốc lộ 8 qua cửa khẩu quốc tế Namphao-Cầu Treo về đến Hà Tĩnh, Nghệ An, rồi theo QL1A ra Hà Nội, vào Đà Nẵng hoặc đi các địa phương khác của Việt Nam.
Tại cuộc làm việc mới đây với chúng tôi, ông Keomixay Bounnhome, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bolikhamxay cho biết, dự án được triển khai trên diện tích 78 ha (bao gồm cầu đường và các công trình trong khu vực hải quan hai bên). Trong khuôn khổ dự án, một Khu kinh tế phức hợp mới tại Cửa khẩu Hữu Nghị 5 sẽ sớm được xây dựng để khai thác lợi thế của cây cầu kết nối Lào- Thái Lan mang lại.
Tỉnh Bolikhamxay đã cơ cấu sơ bộ nguồn tài chính cho các hạng mục chính của dự án. Hiện đã có hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế phức hợp, khu thương mại-dịch vụ, kho bãi Logistic, một số điểm du lịch và khu vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, những quy định cụ thể về phạm vi quản lý của chính quyền, quyền sở hữu của người dân, chế độ lao động, cam kết cung cấp vốn, con giống, kỹ thuật và tìm thị trường đối với các dự án nông nghiệp tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị số 5 cũng đã được ban hành nhằm thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này. “Trong tương lai khi cầu Hữu Nghị Lào –Thái, đường cao tốc Hà Nội- Vientiane được xây dựng, kết nối thành một hệ thống giao thông, trao đổi thuận lợi giữa Lào-Thái Lan-Việt Nam, Bolikhamxay sẽ trở thành một trung tâm kết nối kinh tế xuyên biên cho khu vực Bắc và Trung Lào”- ông Keomixay Bounnhome kỳ vọng.
Thị xã Paksan đang trên đà thay đổi trở thành một đô thị phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch. Sông Mekong đoạn qua thị xã đã được kè bảo vệ, những con đường dọc bờ sông được mở rộng, một không gian đô thị thoáng đãng đang mở ra triển vọng về một thành phố ven sông xinh đẹp, hiền hòa. Bolikhamxay mai này sẽ là một điểm dừng chân đáng nhớ trên đường thiên lý Bắc – Nam của Lào, là điểm nhấn về một khu vực kinh tế thương mại- dịch vụ năng động trên hành lang kinh tế Đông- Tây, để hàng hóa từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Lào theo Quốc lộ 8 về với cảng Vũng Áng Hà Tĩnh vươn ra biển lớn./.
Theo VOV