Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ít nhất 4% trong 5 năm tới, với thu nhập bình quân đầu người đạt 2.887 USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về cách thức mà chính phủ tính toán tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến và làm thế nào để chính phủ đạt được mục tiêu này, tại Kỳ họp khai mạc Quốc hội Lào khóa 9, diễn ra mới đây tại thủ đô Vientiane.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Sonexay Siphandone, trong phần trả lời chất vấn, đã nêu rõ các yếu tố thuận lợi từ nội tại cũng như bên ngoài đối với Lào, và cho biết dự báo tăng trưởng được tính toán trên các dữ liệu thu thập được.
Nền kinh tế của các nước láng giềng của Lào, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển. Ngoài ra, chính phủ và khu vực tư nhân đang cố gắng bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Hy vọng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất là 4%. Đến năm 2025, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,4%, theo ông Sonexay Siphandone.
Do Lào là một nền kinh tế nhỏ, việc tiếp tục xây dựng các dự án lớn như đường sắt Lào Trung Quốc, đường cao tốc Vientiane và các đặc khu kinh tế hứa hẹn sẽ thúc đẩy đáng kể tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ Lào kỳ vọng ngành nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 2,5% hàng năm, ngành công nghiệp tăng 4,1% và khu vực dịch vụ tăng 6% hàng năm. Tuy nhiên, ĐBQH Lào đề nghị chính phủ tăng mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp từ 2,5 lên 3%. Đáp lại, Tiến sĩ Sonexay nói rằng mặc dù Lào sản xuất một lượng lớn cây trồng, đặc biệt là sắn, nhưng đất nước này dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai như lũ lụt và các vấn đề bên ngoài khác. Những điều kiện này có thể ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp nên mục tiêu tăng trưởng 2,5% là phù hợp.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là Chính phủ Lào đã đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ lạm phát trung bình không quá 6 điểm phần trăm, nếu chỉ số cao nhất này được ghi nhận, tức là vượt quá tốc độ tăng trưởng, nền kinh tế được coi như là không phát triển.
Một trong những thách thức chính mà Lào phải đối mặt hiện nay là gánh nặng nợ nần gia tăng cùng với tỷ giá hối đoái biến động, đang làm gia tăng lạm phát và chi phí sinh hoạt. Điều này khiến Lào phải đưa vấn đề giải quyết khó khăn tài chính vào chương trình nghị sự quốc gia, trong đó kêu gọi mọi thành phần xã hội chung sức ngăn đất nước rơi vào trạng thái khủng hoảng kinh tế. Đồng thời, các nỗ lực cải cách bộ máy, giảm thâm hụt, thúc đẩy thu ngân sách cũng sẽ được chính phủ Lào duy trì, bên cạnh thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giải quyết các kẽ hở khiến rò rỉ tài chính và nạn tham nhũng.
Tổng hợp