Ngày 17/8/2020, Cục Khuyến khích đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ra thông báo tới Công ty Công nghiệp thương mại và xây dựng Daovieng Vichit về việc Chính phủ không chấp thuận đề xuất của Công ty trong việc lập báo cáo khả thi và đầu tư xây dựng hai tuyến đường bộ cao tốc dọc theo triền sông Mekong, từ Nongnokkhien biên giới Lào-Campuchia đến thủ đô Viêng Chăn, có chiều dài 752 km và tuyến đường cao tốc từ biên giới Việt Nam qua tỉnh Attapeu đến tỉnh Champasak, chiều dài 260 km, theo hình thức BOT.
Tại cuộc họp của Ủy ban Khuyến khích và Quản lý đầu tư lần thứ 12, ngày 30/7/2020 đề xuất của Công ty Daovieng Vichit đã được nghiên cứu, xem xét tính khả thi của dự án và nhu cầu sử dụng đường giao thông bộ hiện nay; theo đó, việc xin phép thực hiện lập báo cáo khả thi và đầu tư xây dựng hai tuyến đường trên của Daovieng Vichit không được chấp thuận.
Trước đó, Công ty Daovieng Vichit đã tự thuê xây dựng báo cáo khả thi, chia các gói thầu khác nhau để mời chào các nhà đầu tư nước ngoài gồm Úc, Việt Nam tham gia xây dựng các tuyến đường trên. Theo yêu cầu, nhà đầu tư lựa chọn gói thầu và đặt cọc khoản tiền nhất định để có thể tham gia dự án. Tổng số tiền của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đã đặt cọc cho Daovieng Vichit là không nhỏ, lên đến hàng chục tỷ đồng. Gần đây, Daovieng Vichit vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư, yêu cầu cọc tiền tại Việt Nam khi dự án đã được thông báo không chấp thuận.
Một số nhà đầu tư đã đến cơ quan đại diện của Việt Nam đề nghị hỗ trợ lấy lại số tiền đặt cọc cho Daovieng Vichit; tuy nhiên, sự việc này rất khó tháo gỡ do Daovieng Vichit là doanh nghiệp Lào đã từng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Attapeu bị phá sản, không có khả năng trả lại các khoản tiền cọc cho nhà đầu tư.
Để tránh rơi vào tình trạng theo đuổi dự án không có thật, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư, đề nghị các tổ chức, cá nhân Việt Nam không tham gia đấu thầu xây dựng hai dự án trên do Công ty Daovieng Vichit kêu gọi.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào