Mới đây, Công ty Vientiane Logistic Park (VLP) đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại Lào tổ chức hội thảo giới thiệu dự án khu Logistics Vientiane cho doanh nghiệp Nhật Bản, tại trụ sở của công ty Petro Trade ở thủ đô Vientiane. Buổi hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takewaka Keizo và Trưởng đại diện JETRO tại Lào Katsuichi Iwakami, cùng đại diện các thành phần có liên quan.
Theo thông tin từ hội thảo, Khu Logistic Vientiane là dự án quy mô lớn hàng đầu của Lào, vừa chính thức được khởi công hôm 3/7 vừa qua với tổng giá trị đầu tư trên 700 triệu USD, dự án hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư cả trong và ngoài nước bởi các tiềm năng to lớn của “Trung tâm vận tải hàng hóa lớn nhất tại Lào”, như lời Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith mới đây.
Dự án Logistic Vientiane – được phát triển thành trung tâm vận tải đa phương thức – nằm trong kế hoạch phát triển ngành Logistics của chính phủ Lào trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đưa Lào từ quốc gia không có biển trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, thông qua việc tập trung phát triển hệ thống vận tải hàng hóa thuận lợi.
Khu Logistic Vientiane cùng cảng biển Vũng Áng, dự án nhiệt điện than đá Khammuan gần biên giới Việt Nam – Lào, dự án đường sắt Thakhek – Vũng Áng và khu Logistics Thakhek, tỉnh Khammuan nằm trong chiến lược tập kết các tuyến vận tải đường bộ mà Lào đề ra, đơn vị được Chính phủ ủy quyền tiến hành nghiên cứu tính khả thi dự án là tên tuổi quen thuộc Petro Trade,
Thuộc phạm vi dự án nói trên, cảng cạn Thabok-Thanaleng Vientiane cũng đã được UNESCAP công nhận tiêu chuẩn quốc tế hồi năm 2013, khu vực này sẽ được phát triển thành tổ hợp dịch vụ, thương mại, vận tải, kho bãi, bảo quản, cấp đông hàng hóa, với dự kiến công suất ban đầu 200 TEU cùng khả năng tiếp nhận 500 xe tải mỗi ngày.
Cảng cạn Thabok-Thanaleng Vientiane cũng sẽ là điểm kết nối với các tuyến đường sắt (Lào-Trung Quốc; Lào-Thái Lan) và tuyến vận tải đường bộ trong khu vực tiểu vùng Mekong (GMS) với cảng hàng không Souvannaphoum (Thái Lan) và cảng hàng không Nội Bài (Việt Nam).
Thông tin từ hội thảo cũng cho biết khu Logistics Vientiane sẽ cung cấp các dịch vụ hoàn chỉnh trong chuỗi mắt xích hàng hóa, bao gồm cả đóng gói xuất khẩu, ngoài ra, sự thu hút đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước nằm ở việc áp dụng hệ thống dịch vụ một cửa.
Tổng hợp