Người trồng cà phê tại Lào đang chuyển đổi sang các loại cây khác cho giá trị thương mại tốt hơn.
Thông tin mới đây từ Hiệp hội cà phê Lào (LCA), cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, diện tích trồng cà phê của các đơn vị thành viên trực thuộc đã giảm khoảng 5-10% do người trồng chuyển đổi sang canh tác sắn, loại cây trồng cho thu nhập tốt hơn.
Hiệp hội cà phê Lào được xem là tổ chức tham mưu cao nhất cho Chính phủ Lào trong việc phát triển và quản lý ngành cà phê trong nước, hiện có tổng cộng 66 thành viên, trong đó có 29 doanh nghiệp nội địa, 26 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và còn lại là các đơn vị sản xuất hợp tác xã hoặc hộ gia đình, tập trung tại 5 địa phương chính.
Theo LCA, trong một vài năm trở lại đây, giá cà phê trong nước đang trên đà giảm và người trồng phải đối mặt với các khó khăn do sự lây lan của sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân Zeuzera và bọ cánh cứng Acarolepta Cervina, điều này thúc đẩy quyết định chuyển đổi mục đích canh tác sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đại diện của LCA, giá trị xuất khẩu cà phê của Lào vẫn tăng trưởng ổn định do giá hạt cà phê trong năm 2020 vẫn ở mức tốt.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Lào đã xuất khẩu gần 12.000 tấn cà phê, trị giá khoảng 24.9 triệu USD và tăng lên gần 20.000 tấn, trị giá 37 triệu USD trong cùng giai đoạn của năm nay. Các sản phẩm cà phê xuất khẩu chính của Lào bao gồm Arabica, Robusta, Exelsa và cà phê rang các loại.
Đối với loại cà phê Arabica, giá hạt đỏ cao nhất do các thương lái nhập tại vườn ở Lào là 3.200 Kip và thấp nhất là 2.800 Kip/kg. Trong khi đó giá cà phê hạt trắng dao động ở mức 15.000-16.500 Kip/Kg và cà phê Robusta có giá từ 11.000-12.500 Kip/Kg.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Lào, chiếm 65% tổng sản lượng xuất khẩu, còn lại là Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Bỉ, Thụy Sĩ và Mỹ.
Theo LCA, hiện nay cả nước Lào có 10 tỉnh có diện tích trồng cà phê, tính riêng cao nguyên Paksong, tỉnh Champasak đã chiếm 80% tổng diện tích cả nước, các đồn điền cà phê ở tỉnh này có tổng diện tích 50.250 ha, ở tỉnh Saravan có 19.716 ha, Sekong có 10.131 ha và 2.216 ha ở tỉnh Attapeu.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến Chính phủ Lào áp dụng các biện pháp cách ly xã hội và hạn chế nghiêm ngặt, điều này làm các đơn vị trồng và sản xuất cà phê của Lào gặp nhiều khó khăn khi nguồn nhân công sụt giảm, đồng thời các đơn hàng xuất khẩu cũng tạm thời bị hoãn, thậm chí bị hủy bỏ.
Cà phê là một trong các mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Lào và ngày càng có chất lượng tốt hơn do nỗ lực hợp tác và phát triển ngành cà phê giữa khu vực công và tư nhân.
Chính phủ Lào cũng đưa cà phê vào nhóm các sản phẩm quan trọng trong việc phát triển kinh tế thông qua các chính sách khuyến khích mở rộng sản xuất và tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn người trồng cà phê tại Lào vẫn đang áp dụng các phương pháp canh tác và sản xuất lạc hậu, năng suất chưa cao.
Thông tin từ tỉnh Champasak, nơi phản ánh 80% tình hình ngành cà phê Lào cũng cho biết, sản lượng cà phê 9 tháng đầu năm 2019 của toàn tỉnh đạt 17.993 tấn hạt cà phê chưa phân loại, tổng giá trị 39.15 triệu USD. Trong đó sản lượng Arabica đạt 13.597 tấn và 4.396 tấn Robusta, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt chỉ tiêu thu hoạch cả năm 52% và chiếm 29% tổng sản lượng nông sản xuất khẩu, 18% tổng hàng hóa xuất khẩu của địa phương. Ngoài ra, khả năng xuất khẩu cà phê thành phẩm của Champasak cũng đạt sản lượng 1.223 tấn cà phê 3 in 1, trị giá 3.7 triệu USD, cà phê rang đạt 344.25 tấn, trị giá 3.05 triệu USD.
Đáng chú ý, giá cà phê mùa vụ 2018-2019 giảm xuống chỉ còn 1.800-2.500 kíp/kg so với 3.550-4.000 kíp của mùa vụ 2017-2018, sát với mức bình quân chi phí đầu vào được tính toán bởi Bộ Nông Lâm là 2.090 kip/kg.
Bên cạnh đó, hoạt động thu mua cà phê trong giai đoạn cuối năm cũng khá ảm đạm khi các doanh nghiệp không có khả năng thanh khoản tốt và lợi nhuận xuất khẩu sụt giảm do giá cà phê thế giới xuống thấp.
Tổng hợp