Trên cơ sở tình hình môi trường quốc tế, thực trạng của Lào, Chính phủ Lào đã định hướng phát triển nền kinh tế số quốc gia từ 2021-2040, Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cho giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Theo dự thảo, Chính phủ xác định khung phát triển giai đoạn 20 năm từ 2021-2040 gồm 04 mục tiêu lớn: (i) Tăng cường năng lực cạnh tranh về kinh tế quốc gia bằng việc áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật số thành nguyên tắc trong việc đổi mới sản xuất, kinh doanh, thị trường và dịch vụ trong hoạt động kinh tế; (ii) Cải cách phương pháp làm việc và dịch vụ công theo hướng số hóa và áp thông tin điện tử nhằm đảm bảo thực hiện minh bạch, hiệu quả; (iii) Tạo sự công bằng xã hội qua thông tin điện tử và dịch vụ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và trật tự xã hội; (iv) Phát triển nguồn nhân lực về công nghệ số bằng việc chuẩn bị đồng thời đào tạo kiến thức và kỹ năng phù hợp với đời sống và kinh doanh thông qua kỹ thuật số.
Chiến lược phát triển nền kinh tế số giai đoạn 10 năm, từ 2021-2030 bao gồm 07 chương trình mục tiêu: (i) Chương trình cải cách phát triển cơ sở pháp lý; (ii) Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ; (iii) Phát triển mô hình kinh doanh nền tảng; (iv) Phát triển nguồn nhân lực; (v) Phát triển sản phẩm và dịch vụ; (vi) Phát triển an ninh mạng dịch vụ kỹ thuật số; (vii) Sử dụng kỹ thuật số vào các lĩnh vực.
Kế hoạch phát triển nền kinh tế số giai đoạn 05 năm từ 2021-2025 là cụ thể hóa chủ trương định hướng phát triển nền kinh tế cho từng giai đoạn, sẽ được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Lào và khu vực, nội dung cơ bản gồm 12 vấn đề cơ bản: (i) Phát triển nền thương mại điện tử trở thành hiện thực gồm các nền tảng thương mại số, thanh toán điện tử, sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; (ii) Phát triển doanh nghiệp trong nước vững mạnh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp áp dụng kỹ thuật số và thương mại điện tử; (iii) Hoàn thành hệ thống văn phòng hành chính nhà nước hiện đại, trước tiên là hệ thống quản lý điện tử, cổng thông tin Chính phủ, trung tâm kết nối và trao đổi thông tin Chính phủ với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan, văn phòng tỉnh đồng bộ và đường dây nóng; (iv) Chuyển đổi các dịch vụ công cần thiết sang dịch vụ điện tử đạt 50%; (v) Hoàn thành việc chuyển đổi dịch vụ công theo mô hình một cửa cấp trung ương và địa phương; (vi) Hoàn thành việc củng cố hệ thống thu và quản lý chi qua hệ thống tài chính-ngân hàng, thanh toán điện tử, trước mắt là qua hệ thống ngân hàng điện tử, hệ thống thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money); (vii) Xây dựng một mô hình số cho khu kinh tế đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài; (viii) Xúc tiến phát triển hạ tầng kỹ thuật số, trước hết là hình thành 03 trung tâm dữ liệu lớn (bigdata), kết nối internet để áp dụng trong hệ thống hạ tầng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung và hệ thống truyền tải điện quốc gia; (ix) Quy mô hệ thống hạ tầng công nghệ số tốc độ cao phải đến được các trung tâm huyện và vùng nông thôn đạt 80%, internet tốc độ cao không dây đạt 5G, phủ kín đến được các vùng trọng điểm, các khu kinh tế đặc biệt…; (x) Lựa chọn đào tạo đội ngũ chuyên môn kỹ thuật số có kiến thức, kỹ năng trở thành chuyên gia đạt từ 0,3% lên 1% trong tổng số lao động thực tế; (xi) Tái cơ cấu nền kinh tế theo kinh tế số, đảm bảo nền tảng nền kinh tế theo hướng kinh tế số, có thể đóng góp nguồn thu vào GDP tăng từ 3-5%; (xii) Áp dụng kỹ thuật số trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và đảm bảo an toàn trong quản lý công việc của Chính phủ, trong kinh doanh và trong đời sống xã hội. (Dự thảo Định hướng chiến lược phát triển nền kinh tế số của Chính phủ Lào đến 2040-Bộ Bưu chính-Viễn thông Lào)
Theo ĐSQVN tại Lào