Các dự án phát triển ở Lào sẽ giảm tác động đến môi trường sau các hành động của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường theo hướng bền vững hơn.
Diễn ra mới đây, Vụ Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Vụ Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức chương trình tập huấn về việc tích hợp ‘”Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia lần thứ 9 NSEDP (2021-2025)”, dưới sự hỗ trợ thực hiện bởi Cơ quan Phát triển Luxembourg thông qua Chương trình Kế hoạch Phát triển địa phương Lào.
Theo đó, mục tiêu tổng thể của chương trình tập huấn là nâng cao nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng, các nguyên tắc và phương pháp luận của Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) trong phát triển kinh tế, từ đó hỗ trợ tích hợp các đánh giá vào kế hoạch phát triển tương ứng của các ngành liên quan, đảm bảo tính nhất quán với định hướng xanh, chất lượng, bền vững và tập trung của NSEDP lần thứ 9.
Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) được công nhận là một trong những công cụ quan trọng nhất theo khuôn khổ chương trình nghị sự phát triển quốc gia, đặc biệt là việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Lào.
Ở cấp độ toàn cầu, hoạt động này sẽ giúp đẩy nhanh các cam kết quốc tế bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Các Đóng góp Dự kiến do Quốc gia tự quyết định – INDC, bên cạnh đó, Lào hiện cũng đang là nước đầu tiên trong ASEAN tham gia Thỏa thuận chung Paris 2015 về đóng góp tự nguyện về cắt giảm khí thải, đặc biệt nhấn mạnh đến biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu tăng cường nghĩa vụ báo cáo.
Ngoài ra, SEA cũng giúp giám sát tiến độ phát triển của các quốc gia muốn rời nhóm kém phát triển nhất (LDCs), đặc biệt là các tiêu chí của LDCs đối với chỉ số dễ bị tổn thương về kinh tế, điều mà Lào đã không thể hoàn thành trong đợt đánh giá năm 2018.
Tựu chung, về cơ bản, SEA có thể làm giảm các tác động tích lũy đến môi trường do các chính sách, kế hoạch do chính phủ xây dựng, đồng thời cung cấp cơ sở đánh giá các tác động tích lũy để có biện pháp giải quyết sớm và thích hợp để đảm bảo các yếu tố giảm tác động đến nền kinh tế, mang lại cơ hội bảo vệ môi trường, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và ít thải carbon dioxide.
Việc tạo hiệu quả tối đa cho việc thực hiện SEA, chính phủ Lào được khuyến nghị cần tích hợp vào ngay những giai đoạn đầu của kế hoạch phát triển kinh tế với tính chủ động cao và thúc đẩy mạnh mẽ sự đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ môi trường bền vững.
Tổng hợp