Trong thời đại cách mạng kinh tế 4.0 hiện đại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp thông minh bởi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt trên phạm vi toàn cầu; Sức ép từ đảm bảo an ninh lương thực do tăng dân số; Nhu cầu thị trường thay đổi theo hướng yêu cầu ngày càng cao hơn đối với nông sản, thực phẩm không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng, dinh dưỡng, an toàn, tốt cho sức khỏe. Số liệu từ Viện Khoa học Sinh học, Môi trường & Nông thôn Mỹ dự báo, quy mô thị trường nông nghiệp thông minh có thể tăng lên 6,2 tỷ USD vào năm 2021, trước khi tăng trưởng gấp ba vào năm 2025, đạt 15,3 tỷ USD.
Nông nghiệp thông minh có nhiều lợi ích đã được chứng minh nhiều nước trên thế giới như: Tạo ra sự liên tục trong sản xuất -kinh doanh, không kể thời gian hay không gian nhờ ứng dụng và duy trì các công nghệ quản lý và giám sát tiên tiến; Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực,giảm chi phí; Tăng hiệu lực, hiệu quả của giám sát, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục và hiệu quả nhờ cung cấp dữ liệu thời gian thực (real time data) cho chuỗi cung ứng thời gian thực (real time supply chain) của nền nông nghiệp thời gian thực (real time agriculture); Tạo ra các sản phẩm mới,dịch vụ mới; Tạo cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng; Giúp tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, dịch chuyển chiến lược tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên sang đổi mới và sáng tạo.
Phát triển nông nghiệp đang trở thành xu thế diễn ra trên quy mô toàn cầu và với tốc độ nhanh chóng. Điển hình như một số nước, Isarel có chương trình nông nghiệp thông minh về giống, vật liệu, chẩn đoán, dự báo, robot, nông nghiệp thông minh trên sa mạc; Mỹ đã phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và công nghệ 3D trong tạo giống, các trạm quản lý nông nghiệp thông minh, nông trại thông minh. Nhật Bản đã đi sâu vào công nghệ robot tự động trong canh tác nông nghiệp, thiết bị bay không người lái. Ngay cả những nước trong khu vực ASEAN vốn được coi là đi sau trong cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh cũng đang cho thấy sự bắt nhịp và có những bước tiến đáng kể, Thái Lan đã triển khai Chương trình hành động về nông nghiệp thông minh: hình thành trung tâm cho 4 vùng nông nghiệp với các nông trại thông minh để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã thành lập 3 khu nông nghiệp thông minh, quy hoạch hoàn thành 14 khu mới trong năm 2020, Việt Nam cũng đã cho ra mắt Hiệp hội nông nghiệp số từ năm 2019, xuất khẩu nông nghiệp thông minh ngày càng phát triển, chiếm tỷ suất cao trong xuất khẩu hàng hóa đem lại thặng dư thương mại lớn cho Việt Nam.
Lào là một nước đang phát triển, nông nghiệp vốn giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, là ngành đang chiếm đa số lực lượng lao động của Lào, là trọng tâm tâm của các chính sách phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành và lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thực tế đóng góp vào nền kinh tế của ngành nông nghiệp Lào vẫn rất thấp, chỉ khoảng 15% và mức tăng trưởng chỉ đạt 2,8% trong năm 2019.
Xuất phát từ lý do đó trong chiến lược phát triển kinh tế của Lào luôn xác định hiện đại hóa giải phóng tiềm năng, sức lao động của ngành nông nghiệp là một trong những mục tiêu, động lực quan trọng của phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, Chính phủ Lào đã khẳng định rõ ràng trong Chiến lược Phát triển Nông nghiệp 10 năm và Tầm nhìn đến năm 2030, cũng như trong dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia giai đoạn 2020-2025 và Tầm nhìn 2030 về phát triển bền vững của Lào việc hướng đến các giải pháp sản xuất hiện đại để thực hiện chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp. Đây là những tiền đề quan trọng để triển khai nông nghiệp thông minh tại Lào.
Lào có nhiều lợi thế để triển khai nông nghiệp thông minh, chẳng hạn như quỹ đất nông nghiệp dồi dào, mức độ tập trung cao thuận lợi cho triển khai các dự án nông nghiệp quy mô nhiều hecta; điều kiện thổ nhưỡng, tài nguyên nước tưới tiêu dồi dào; Lào được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển dành cho phát triển chuyển đổi nông nghiệp hiện đại khi Thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về xóa đói giảm nghèo; thu hút được sự quan tâm của đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đối với lĩnh vực nông nghiệp; xu thế kinh tế hóa nền kinh tế đang được Chính phủ Lào quan tâm thúc đẩy. Đặc biệt là việc Lào đã có sẵn các doanh nghiệp mạnh trên lĩnh vực công nghệ thông tin mang tầm khu vực và quốc tế, xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ cho nông nghiệp thông minh ngay từ trong nước.
Mới đây, Công ty Star Telecom đã ký kết thỏa thuận về việc hợp tác nghiên cứu khả thi của dự án chuyển đổi số 4.0 về sự quản lý hệ thống công trình thủy lợi, đó là lễ có ý nghĩa rất quan trọng, là dấu mốc xuất phát để quản lý điều hành công trình thủy lợi thành hiện đại hóa. Đặc biệt là việc xây dựng“Platform“ ” phục vụ cho các công việc thủy lợi, nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản và phát triển nguồn nhân lực để Quản lý hiệu quả từ cấp chính phủ đến cơ sở đáp ứng định hướng kế hoạch số hóa của chính phủ. Buổi lễ có sự tham gia của ngài Thongpat VONGMANI – Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp và ngài Trung tướng Onesy SENESOUK – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Phạm vi hợp tác ban đầu là tập trung vào các nền tảng chính phục vụ quản lý nguồn nước trong các ao hồ chứa, nguồn nước phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi, chăn nuôi./.